Ngày 24/8/2011, nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs từ chức và trao vị trí CEO vào tay người kế nhiệm Tim Cook. Sáu tuần sau đó, Jobs qua đời. Tim Cook khi đó phải lấp đầy khoảng trống khổng lồ để lại bởi nhà lãnh đạo công nghệ tài ba đằng sau những thành công của Mac, iPhone, iPad, iPod, iTunes và App Store.
Và sau 10 năm, Apple nay dưới sự lèo lái của Tim Cook đã đạt được những gì?
Công ty có giá trị và lợi nhuận cao nhất thế giới
Apple đang có giá trị vốn hóa cao hơn toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Để làm được điều đó, Tim Cook đã xây dựng một cách tỉ mỉ các chuỗi cung ứng ở nước ngoài, ký hợp đồng với các nhà sản xuất như Foxconn và sử dụng hàng trăm nghìn lao động cho các dây chuyền sản xuất.
Tháng 8/2011, ngay trước khi Jobs từ chức, nhờ các nỗ lực của Tim Cook với tư cách là COO và CEO tạm thời, Apple nhanh chóng vượt qua Exxon để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Ngay cả khi công ty dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia thực hiện thương vụ IPO lớn nhất vào năm 2019, nó cũng không thống trị thị trường được lâu. Apple đã vượt qua Saudi Aramco vào tháng 7 năm ngoái để đạt mức vốn hóa thị trường 2 nghìn tỷ USD và hiện đạt mức 2,5 nghìn tỷ USD.
Tim Cook trong thập kỷ qua đã đưa Apple thực sự trở thành một "gã khổng lồ". Doanh thu hãng đạt kỷ lục 111 tỷ USD vào quý II/2021, gấp bốn lần những gì công ty có được cùng quý năm 2011. Lợi nhuận cũng tăng hơn bốn lần từ 6 tỷ USD của quý I/2011 lên 28,8 tỷ USD trong quý I/2021. Apple đang nắm giữ gần 200 tỷ USD tiền mặt so với con số 76 tỷ USD cách đây 10 năm. Không chỉ vậy, quy mô nhân sự cũng tăng lên 147.000 nhân viên toàn thời gian so với 60.400 vào năm Jobs từ chức.
Tính đến tháng 6/2021, Apple kiếm được trung bình 10.000 USD mỗi giây. Apple dưới thời Cook đang không ngừng tung ra các sản phẩm người tiêu dùng mong muốn mua, đều đặn cải thiện chúng qua từng năm. Trong thời gian từ 2013 đến 2018, lượng tiêu thụ iPhone mỗi năm đều cao hơn so tổng doanh số iPhone trong 5 năm Jobs nắm quyền.
Đối với một số người, chỉ riêng số tiền Apple kiếm được đã đủ là bằng chứng cho thấy Cook thành công lớn. Nếu ai đó chi 1.000 USD cho cổ phiếu Apple vào tuần mà Steve Jobs từ chức, hôm nay số cổ phiếu đó có giá trị gần 11.000 USD, chưa bao gồm cổ tức.
Nhưng hiệu quả tài chính mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nếu hy vọng Cook là một người có tầm nhìn xa về sản phẩm như Jobs, có lẽ thành tích của Apple sẽ không còn mấy ấn tượng.
Vòng lặp của sản phẩm phần cứng
Apple của Cook vẫn chưa thực sự cho ra đời được một sản phẩm phần cứng thay đổi thế giới như iPhone, iPad hoặc Mac. Các sản phẩm mới đây của Apple là các phụ kiện đi kèm iPhone như Apple Watch và AirPods.
Michael Gartenberg, nhà phân tích công nghệ và cựu giám đốc tiếp thị của Apple cho biết: "Steve khá kiên định rằng điện thoại màn hình lớn không phải là thứ chúng ta sẽ làm. Tuy nhiên, Tim lại nói người tiêu dùng muốn nó và chúng ta có đủ khả năng, vì vậy Apple sẽ làm điều đó".
Apple Watch hiện là một trong những sản phẩm ăn khách nhất của công ty. Khi được công bố cuối năm 2014 với tư cách là sản phẩm mới đầu tiên dưới thời Cook, nó được giới thiệu là một sản phẩm ngang hàng với Mac, iPod và iPhone. Nhưng Apple đã phải thiết kế lại toàn bộ giao diện của đồng hồ và loại bỏ các phiên bản siêu sang trước khi tìm thấy chỗ đứng với Watch Series 3 vào năm 2017.
AirPods, sản phẩm lớn thứ hai dưới thời Cook, cũng rất thành công. Nhưng theo nhiều cách, AirPods là điển hình ở thời đại Cook - nơi các ý tưởng dường như được thực hiện trên quy mô lớn và gắn chặt với iPhone. Gartenberg nói: "Quá trình cải tiến liên tục của Apple là tài năng của Tim Cook".
Dù còn sớm để khẳng định, chip M1 cũng có thể được coi là một trong những "di sản" lớn nhất của Cook. Apple đã biến những nỗ lực không ngừng trên các bộ vi xử lý iPhone thành dòng chip máy tính M1, thay đổi khái niệm của về hiệu suất máy tính xách tay.
Tuy nhiên, AirPods và Watch về cơ bản đều là phụ kiện cho iPhone, không phải là nền tảng mới theo đúng nghĩa. Những lời hứa lớn nhất của Cook hầu như vẫn chưa được thực hiện. Ông dành một năm sau khi Jobs qua đời để tập trung vào Apple TV, và cuối cùng chỉ cung cấp dịch vụ phát trực tuyến Apple TV Plus. Cook cũng từng nhiều lần nhấn mạnh đóng góp lớn nhất của Apple cho thế giới sẽ là sức khỏe, với Watch và nền tảng Fitness Plus.
Trong khi Cook tin tưởng thực tế ảo tăng cường có thể trở thành một nền tảng mới và "cực kỳ quan trọng" đối với tương lai của Apple, hiện có rất ít ứng dụng thực tế tăng cường cho iPhone, còn kính AR được đồn đại của Apple vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về ngày phát hành.
Chuyển hướng sang dịch vụ
Trong quý II/2016, Tim Cook và Giám đốc tài chính Luca Maestri thu hút sự chú ý của các nhà phân tích về một sự thật đáng chú ý: Apple đang trở thành một công ty dịch vụ. App Store và các dịch vụ đăng ký trả phí khác của công ty đã tăng tốc năm này qua năm khác, thu về 4,8 tỷ USD trong quý I/2015. Vào năm 2017, Apple tuyên bố hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình có quy mô tương đương với một công ty nằm trong danh sách Fortune 100.
Theo các tài liệu được tiết lộ trong vụ kiện của Epic Games, chỉ riêng App Store đã làm lu mờ toàn bộ mảng kinh doanh Mac và iPad năm 2016. Chỉ có iPhone vượt lên trên kho ứng dụng này. Nhưng tầm nhìn của Cook dường như vượt ra ngoài các dịch vụ nội dung. Với Apple Pay, Apple Card, Apple Cash và Apple Pay Later sắp tới, công ty dường như cũng đang lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, đồng thời khóa chặt người dùng vào hệ sinh thái phần mềm của nó.
Tuy nhiên, có một nơi mà Apple của Cook vẫn cam kết theo đuổi, đó là quyền riêng tư của người dùng, thậm chí công ty gọi là "quyền cơ bản của con người". Sự việc nổi tiếng nhất chính là quyết định chống lại yêu cầu mở khóa một chiếc iPhone từ FBI. Apple cũng là "gã khổng lồ" công nghệ hiếm hoi không sử dụng dữ liệu của người dùng làm nguồn thu nhập.
Làn sóng chỉ trích dâng cao
Câu hỏi đặt ra là liệu Apple có thể theo kịp với mục tiêu theo đuổi tăng trưởng toàn diện của mình hay không, bởi sau một thập kỷ, một số vết nứt đang bắt đầu lộ ra.
Người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh và các nhà lập pháp trên khắp thế giới đang coi Apple giống như một công ty đang cố gắng khai thác doanh thu theo bất kỳ cách nào có thể. Hãng chưa bao giờ phải xin lỗi nhiều như vài năm qua, cho dù đó là việc cố tính làm chậm iPhone cũ bằng các bản cập nhật, cho phép bên thứ ba nghe bản ghi âm của Siri, hay buộc nhà phát triển phải sử dụng dịch vụ thanh toán của App Store.
Ngay cả khi Tim Cook tiếp tục thúc đẩy Apple trở thành một công ty về quyền riêng tư, họ cũng đang phải vật lộn với nội dung khiêu dâm trẻ em và kết quả là đưa ra những nhượng bộ về quyền riêng tư đáng lo ngại. Các chuỗi cung ứng quan trọng của Cook cũng liên tục bị đứt gãy, với các báo cáo cho rằng Apple đã làm ngơ trước các hành vi vi phạm luật lao động ở Trung Quốc.
Mặc dù Apple tự hào về văn hóa giữ bí mật, hãng hiện trải qua một làn sóng nhân viên mới có thể thay đổi văn hóa đó mãi mãi theo những cách ngoài tầm kiểm soát của Cook. Dù đã khuyến khích sự đa dạng trong nhiều năm và xứng đáng được công nhận là CEO đồng tính công khai đầu tiên của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500, hầu hết dàn lãnh đạo của chính Apple vẫn là người da trắng.
Có thể Tim Cook sẽ không phải người giải quyết những vấn đề này. Ông đã gắn bó với công ty 23 năm và gần đây cho biết có thể sẽ rời Apple sau một thập kỷ nữa.
Đăng Thiên (theo The Verge)