Tổ chức Giám sát lao động Trung Quốc vừa công bố một bản báo cáo về việc số lượng nhân công tạm thời của Foxconn - đối tác sản xuất của Apple - chiếm 50% lực lượng lao động trong tháng 8. Trong số nhân viên thời vụ của Foxconn, có cả sinh viên thực tập, chiếm khoảng 30%. Điều này vi phạm luật lao động của nước sở tại, chỉ cho phép con số công nhân thời vụ chiếm 10% và các sinh viên phải trở lại trường vào cuối tháng 8 để tiếp tục theo học.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng phát hiện điều kiện làm việc tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu vi phạm các quy định của Apple cũng như một số điều luật. Cụ thể, trong mùa cao điểm, công nhân bình thường không được duyệt đơn nghỉ việc, công nhân là sinh viên cũng phải làm việc ngoài giờ. Luật Trung Quốc quy định số giờ làm thêm không được vượt quá 36 giờ/tháng nhưng một số công nhân thậm chí còn vượt 100 giờ/tháng. Một số người lao động nộp đơn không làm việc ngoài giờ nhưng không được phê duyệt, thậm chí còn bị quản lý chèn ép khiến họ mất các cơ hội làm việc trong tương lai. Các nhà máy không cung cấp vật dụng bảo hộ lao động phù hợp cho công nhân. Tai nạn lao động trong các nhà máy không được báo cáo lại và việc quát nạt, chửi bới nhân viên thường xuyên diễn ra ở đây. Nhiều người lao động tạm thời không được trả lương thưởng như hứa hẹn trước đó. Ngoài ra, nhiều công nhân phải họp giữa đêm nhưng không được trả tiền làm thêm giờ.
"Apple lẽ ra phải chịu trách nhiệm và hoàn toàn có khả năng cải thiện điều kiện lao động tại các chuỗi cung ứng của mình. Tuy vậy, điều mà hãng đang làm là chuyển đổi các phí tổn từ cuộc chiến thương mại giữa hai nước vào môi trường lao động mà đối tác của họ đưa tới công nhận. Apple thu lợi nhuận từ việc bóc lột người lao động Trung Quốc", đại diện của tổ chức giám sát lao động cho biết.
Thông tin của bản báo cáo đến từ những người từng làm việc ở nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc), trong đó có người từng được thuê bốn năm ở đây.
Sau một loạt email phản bác thông tin từ tổ chức giám sát lao động, Apple mới chịu thừa nhận rằng "số phần trăm nhân công thời vụ vượt quá tiêu chuẩn", "đang phối hợp với Foxconn để giải quyết vấn đề" và hứa có biện pháp khắc phục ngay lập tức. Foxconn cho biết: "Chúng tôi phát hiện chính nhân viên điều phối là người đứng sau các vi phạm về quy định thuê nhân công tạm thời và số giờ làm thêm của nhân viên". Họ cũng hứa hẹn cải thiện tình hình.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức giám sát lao động Trung Quốc khẳng định "Quả táo" và Foxconn đang nỗ lực để đạt sản lượng 12.000 iPhone mỗi lần xuất xưởng. Năm ngoái, mẫu iPhone XS ra mắt với cấu trúc tinh vi hơn nhiều so với X trước đó, buộc đôi bên phải thuê nhiều nhân công hơn để phục vụ được yêu cầu sản xuất.
Đối tác của Apple bị chỉ trích nhiều năm nay vì đưa ra tiêu chuẩn lao động nghèo nàn và yếu kém. Theo Bloomberg, Foxconn - công ty thuộc tập đoàn Honhai Precision Industry - đã thuê hàng chục nghìn công nhân tạm thời để tăng cường sản xuất iPhone, phục vụ cho nhu cầu mua sắm vào mùa nghỉ lễ hàng năm. Họ không thuê nhân công chính thức bởi những người ký hợp đồng lao động tạm thời sẽ nhận được ít quyền lợi hơn, ví dụ, nghỉ làm vẫn có lương, tiền đi nghỉ mát, bảo hiểm xã hội... Mặc dù công nhân tạm thời có lương cao hơn so với người lao động chính thức, khoản tiền này lại không phải do Foxconn trả mà thường từ một bên thứ ba. Nếu muốn trở thành công nhân chính thức, những người ký hợp đồng tạm thời phải thử việc tại nhà máy của hãng này trong ba tháng.
"Quả táo" nhiều lần yêu cầu các đối tác phải cải thiện điều kiện làm việc tại nhà máy, bằng không sẽ chấm dứt mối hợp tác. Tuy vậy, điều này không cải thiện được tình hình. Hầu hết các nhà máy lắp ráp và cung ứng linh kiện cho Apple chỉ tập trung vào việc làm thế nào để có được càng nhiều thiết bị càng tốt.
Năm ngoái, Apple đã thực hiện phỏng vấn với 44.000 nhân viên của các công ty đối tác để kiểm tra xem họ có được đào tạo đúng cách và biết mình được quyền phản ánh lo ngại không. Hãng cũng thực hiện nhiều bước để ngăn chặn bóc lột lao động. Ví dụ cuối 2017, sau khi phát hiện Foxconn thuê học sinh cấp ba làm việc ngoài giờ trái luật để lắp ráp iPhone, hãng đã yêu cầu chuyên gia đến ngay địa phương để quản lý lại hệ thống. Hàng năm, Apple cũng công bố các bản báo cáo về tình trạng làm việc trong các nhà máy đối tác hàng năm mà Apple công bố.
Tổ chức Giám sát lao động Trung Quốc được thành lập năm 2000 nhằm điều tra các công ty sản xuất đồ chơi, giày dép, đồ điện tử... của các nhà máy Trung Quốc cho các công ty đối tác đa quốc gia khác. Ngoài văn phòng ở New York (Mỹ), nó còn văn phòng đặt tại Thâm Quyến (Trung Quốc) và nơi này có đường dây nóng để phản ánh về các nhà máy sản xuất trong nước.
Đức Trí