Bác sĩ Hồ Thu Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ ca bệnh này tại hội thảo Phòng ngừa tự sát ở trẻ vị thành niên, chiều 7/4 và cho biết bệnh nhân nhập viện giữa tháng ba trong tình trạng chán nản, hay khóc, tự ti, bi quan, cảm thấy chán sống, có ý tưởng tự sát. Bác sĩ chẩn đoán em bị rối loạn hành vi trầm cảm.
Bệnh nhân là con thứ hai trong gia đình, người nhà cho biết tính cách của em vốn cởi mở, hòa đồng và là học sinh giỏi từ bé. Năm lớp 8 và 9, dịch Covid bùng phát, Mai phải học online nên khối lượng bài vở nhiều hơn trong khi kỹ năng sử dụng máy tính chưa tốt. Cô bé không theo kịp bài giảng nên kết quả học tập giảm sút, bị các bạn trêu chọc nên tự ti, thu mình, dẫn đến chán nản "lang thang" mạng xã hội, lâu dần bỏ bê việc học.
Gần đây, lịch học của Mai dày hơn, ngoài hai buổi ở trường còn học thêm nên áp lực nhân lên nhiều phần. Mai dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay, mục đích làm đau bản thân để thấy dễ chịu. Gia đình đưa em đến gặp bác sĩ tư vấn tâm lý nhưng tình trạng trầm uất nặng hơn, các triệu chứng run tay, hồi hộp,... xuất hiện nhiều hơn.
Em được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai hôm 21/2, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn hành vi trầm cảm có yếu tố tiền sử. Hai tuần sau, cô bé mắc Covid nên xin về nhà, uống thuốc theo toa, các triệu chứng không thuyên giảm nhiều. Khi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai lần nữa, Mai cho biết thường xuyên nghe tiếng nói trong đầu "bảo phải chết vì bản thân vô dụng, hèn kém và là gánh nặng cho bố mẹ". Em đang điều trị tâm lý, kết hợp thuốc.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần, cho biết thời gian qua tình trạng trẻ em bị stress, trầm cảm gia tăng. Nghiên cứu năm 2012 của Tổ chức Blum tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát ở tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, các nhà nghiên cứu ghi nhận ở nhóm 15-19 tuổi tỷ lệ có yếu tố tự sát và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi. Đến năm 2020, nghiên cứu trên 6.400 học sinh 13-17 tuổi cho thấy 11% có ý tưởng tự sát trong vòng một năm qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đến năm 2020 căn bệnh này đứng thứ hai và năm 2030 dự báo lên vị trí thứ nhất. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25 đến 44, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm gấp hai lần so với chưa mãn kinh.
Trả lời VnExpress, tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, cho biết người trầm cảm có cảm xúc bị ức chế thường rơi vào trạng thái buồn rầu, ủ rũ, mất mọi quan tâm thích thú, cảm thấy ảm đạm, bi quan về tương lai, sự nghiệp. Nỗi buồn thường kèm theo hiện tượng mất cảm giác tâm thần, không còn yêu, ghét, buồn, giận như trước.
Trầm cảm bao gồm ba biểu hiện chính là khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động. Triệu chứng phổ biến là giảm sút sự tập trung và sự chú ý, giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin, có ý tưởng bị tội và không xứng đáng với người khác. Trên nền tảng ức chế toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần, người bệnh có thể đột nhiên xuất hiện một cơn buồn sâu sắc, thất vọng nặng nề, gọi là cơn xung động trầm cảm dẫn đến la thét, thổn thức, cảm xúc lẫn lộn... Trong cơn xung động này, họ có thể tự sát trong chớp nhoáng hay làm hại người thân rồi tự sát. Cơn xung động thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng.
Ngoài ra, trầm cảm khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng. Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và giết người. "Do đó, người nhà cần phải thường xuyên cảnh giác với những bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm hoặc đã được chẩn đoán trầm cảm", bác sĩ Ngọc khuyến cáo.
Bệnh trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, thường xuyên nghĩ về cái chết. Bệnh nhân còn có thể gây nguy hiểm cho người khác bởi những suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng tự tử của mình. Bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi phù hợp.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyên gia đình cần quan tâm hơn tới con cái bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Không nên áp đặt trẻ, vẽ ra các hình tượng hoàn hảo mà không phù hợp mong muốn, nhu cầu, năng lực của trẻ. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường và bạn bè là chìa khóa giúp các bệnh nhân vượt qua giai đoạn bất ổn.
Trẻ có tâm trạng bất thường, gắt gỏng, dễ nổi cáu bộc phát, giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây; trẻ không muốn đi ra ngoài, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè; tránh né việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.... cần được bác sĩ khám, tư vấn tâm lý sớm, điều trị kịp thời.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An