"Chúng tôi vẫn còn rất sốc. Lúc đầu, tôi nghe thấy âm thanh như tiếng nổ. Nước tràn vào nhà ngay sau đó", Tevita Sailosi, cư dân tại thủ đô Nuki'alofa trên đảo chính Tongatapu của Tonga, quốc đảo Nam Thái Bình Dương, kể lại thời khắc sóng thần ập vào nhà chiều tối 15/1.
Gia đình anh may mắn vẫn bình an. Tuy nhiên, Sailosi chưa hết lo lắng về những tai họa khó lường dù khu vực chưa hứng thêm đợt sóng thần nào. Họ quyết định sẽ không đi đâu vào lúc này, theo dõi mọi cập nhật tình hình trên điện thoại và vô tuyến mở thường trực.
"Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng la hét. Mọi người cố gắng giúp đỡ nhau trong khả năng. Chúng tôi còn nghe thấy giọng hát vang vọng quanh đây, giúp tinh thần khá hơn đôi chút. Chỉ mong mọi người ngoài kia vẫn an toàn", Sailosi chia sẻ với truyền thông địa phương.
Theo Cơ quan Khí tượng Australia, đợt sóng thần ập vào thủ đô Nuku'alofa cao khoảng 1,2 m. Sóng thần là hệ quả từ đợt phun trào mới nhất của núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, chỉ vài giờ sau khi lệnh cảnh báo sóng thần một ngày trước hết hiệu lực.
Theo các cơ quan giám sát, đợt phun trào kéo dài khoảng 8 phút, giải phóng một lượng lớn khói, tro bụi và khí độc lan rộng hàng km. Người dân trên đảo Fiji cách Tonga khoảng 800 km có thể nghe thấy tiếng nổ lớn như sấm rền. Giới chức Fiji đã yêu cầu người dân tích trữ nước ngọt đề phòng mưa axit trong vài ngày tới.
Mere Taufa, cư dân trên đảo Tongatapu, cho biết cô đang trong nhà chuẩn bị bữa tối khi nghe thấy tiếng nổ rất lớn. "Phản ứng bản năng đầu tiên của tôi là trốn dưới gầm bàn. Tôi chộp lấy em gái và gào thét, bảo bố mẹ và mọi người làm như mình", Taufa kể lại.
Cô cảm thấy rõ mặt đất dưới chân mình và cả căn nhà rung chuyển. Họ còn nghĩ có bom phát nổ gần đó, trước khi nhìn thấy nước tràn vào gây ngập chỉ trong vài phút, còn tường nhà hàng xóm sụp đổ.
"Chúng tôi biết ngay là có sóng thần. Tôi nghe thấy xung quanh toàn tiếng la hét. Mọi người kêu gọi nhau tìm nơi an toàn, chạy đến chỗ đất cao hơn", cô kể lại.
Victorina Kioa, đại diện Ủy ban Dịch vụ Công Tonga, từ ngày 14/1 đã yêu cầu người dân tránh xa những khu vực báo động sóng thần. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Địa chất Tonga Taaniela Kula kêu gọi người dân ở yên trong nhà, mang khẩu trang khi ra đường và đậy kín các bể trữ nước mưa tránh nhiễm độc.
Chính phủ Tonga chưa đưa ra thông báo nào về thương vong và quy mô thiệt hại vì sóng thần. Tuy nhiên, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nước đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ở khu vực ven biển, tràn vào nhà cửa và cuốn trôi xe cộ. Khắp đảo Tongatapu ghi nhận nhiều khu vực mất điện, liên lạc bị gián đoạn. Chính phủ đã huy động lực lượng quân dự bị hỗ trợ ứng phó thảm họa.
Jese Tuisinu, phóng viên của đài Fiji One, chia sẻ trên mạng xã hội đoạn video ghi lại đợt sóng dữ dội ập vào bờ và chứng kiến nhiều người hoảng loạn lái xe tháo chạy khỏi dòng nước đang ập đến. "Nhiều khu vực ở Tonga đang chìm trong bóng tối. Người dân đang khẩn trương chạy đến những nơi an toàn sau vụ phun trào núi lửa", anh chia sẻ.
Một người dân địa phương giấu tên tiết lộ với truyền thông New Zealand rằng toà nhà của Cao ủy New Zealand ở Tonga đã chật kín người tị nạn. Nhân viên trong khu phức hợp sắp không còn đủ thực phẩm hỗ trợ người dân. Người này nghe thông tin nhiều vùng khác đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sóng thần như Sopu, Popua, Fangaloto và Patangata.
"Có một đứa bé đến đây trong tình trạng cả người ướt sũng. Nó kể đã tháo chạy khỏi nhà bạn khi nước ập đến và không biết gia đình đó hiện ra sao. Thằng bé không biết liệu nhà bạn mình có thoát kịp không vì họ không có xe", người này kể lại.
Giáo sư Shane Cronin, nhà khoa học núi lửa thuộc Đại học Auckland, đánh giá đây là một trong những đợt phun trào lớn nhất ở Tonga trong 30 năm qua và có thể là đợt phun trào đáng chú ý nhất trong một thập kỷ qua.
"Điểm đáng chú ý nhất là tốc độ và cường độ lan rộng. Đợt phun trào núi lửa này có quy mô lớn và ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn, nhiều tro bụi hơn những lần trước. Tôi dự đoán tro bụi rơi ở Tonga đã dày vài cm".
Tonga bao gồm 170 hòn đảo với diện tích khoảng 750 km2 và hơn 105.000 dân. Nền kinh tế nước này chủ yếu phụ thuộc vào du lịch, ngư nghiệp, trồng trọt và nguồn kiều hối.
Trung Nhân (Theo AFP, Stuff NZ, Guardian, BBC)