Khoảnh khắc núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào hôm 14/1 được ghi lại trong video đăng trên tài khoản Twitter US StormWatch chuyên cập nhật về các hiện tượng tự nhiên cực đoan. Theo tài khoản này, đây là "một trong những vụ phun trào núi lửa dữ dội nhất từng được ghi lại trên vệ tinh".
Theo giới chức Fiji, quốc đảo cách Tonga khoảng 800 km, vụ phun trào kéo dài khoảng 8 phút, dữ dội đến mức có thể nghe thấy âm thanh như "tiếng sấm rền" ở nước này. Người dân New Zealand, cách Tonga khoảng 2.000 km, cũng cho biết họ đã nghe thấy "tiếng bùng nổ" vào thời điểm ngọn núi lửa dưới biển phun trào.
Nhà khí tượng học người Mỹ Jared Silverman cho biết bản thân từng nhìn thấy nhiều thứ qua hình ảnh vệ tinh, nhưng "không điều gì đáng sợ bằng vụ phun trào núi lửa Tonga này".
Tiến sĩ Faka’iloatonga Taumoefolau, một người dân Tonga, cũng đăng trên Twitter những bức ảnh cửa sổ phủ đầy tro bụi. "Tro bụi và những hòn sỏi nhỏ đang trút xuống, bóng tối bao trùm bầu trời", Taumoefolau cho hay.
Sau đợt phun trào vào ngày 14/1, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tiếp tục phun trào vào 17h26 hôm nay. Chỉ 4 phút sau, sóng thần cao khoảng 1,2 m đã ập vào thủ đô Nuku'alofa của Tonga.
Chính phủ Tonga chưa đưa ra thông báo nào về thương vong và quy mô thiệt hại, nhưng hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nước đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ven biển, tràn vào nhà cửa và cuốn trôi xe cộ. Khắp đảo chính Tongatapu ghi nhận nhiều khu vực mất điện, liên lạc bị gián đoạn.
Giáo sư Shane Cronin, nhà khoa học núi lửa thuộc Đại học Auckland, đánh giá đây là một trong những đợt phun trào lớn nhất ở Tonga trong 30 năm qua và có thể là đợt phun trào đáng chú ý nhất trong một thập kỷ qua.
"Điểm đáng chú ý nhất là tốc độ và cường độ lan rộng. Đợt phun trào núi lửa này có quy mô lớn và ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn, nhiều tro bụi hơn những lần trước. Tôi dự đoán tro bụi rơi ở Tonga đã dày vài cm", Cronin nhận định.
Tonga là một quốc đảo trên Thái Bình Dương bao gồm 170 hòn đảo với diện tích khoảng 750 km2 và hơn 105.000 dân. Nền kinh tế nước này chủ yếu phụ thuộc vào du lịch, ngư nghiệp, trồng trọt và nguồn kiều hối.
Ánh Ngọc (Theo Express)