Chiều 9/8, nhiều tài xế ôtô tiếp tục trả tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm thu phí Cai Lậy. Tiền Giang. Khác những ngày trước, các tài xế phản đối thu phí bằng việc đưa tiền lẻ trực tiếp cho nhân viên chứ không bỏ tiền trong chai, kiểm đếm ngay tại cabin.
Do là giờ cao điểm, lượng xe lớn cộng với việc đếm tiền lẻ mất thời gian đã làm xe cộ ùn ứ khoảng một giờ, trên đoạn đường khoảng 4 km.
Mỗi cabin được tăng cường khoảng 3-4 nhân viên thu phí. Bốn làn xe từ Vĩnh Long về TP HCM được mở thành 6 làn, nhân viên đứng bên ngoài bán vé thủ công cho xe qua trạm. Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chống ùn tắc.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tình trạng ùn ứ, kẹt xe tại trạm thu phí Cai Lậy đã được tỉnh cảnh báo, ý kiến nhiều lần đến Bộ Giao thông Vận tải.
Tại những buổi làm việc trước đây, tỉnh cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông xem xét có giải pháp để tránh ùn tắc khi đặt trạm thu phí ở vị trí này. Vì Quốc lộ 1 có lượng xe lớn, những ngày lễ, Tết kẹt xe là chuyện không thể tránh khỏi.
"Tỉnh này đã chỉ đạo Sở Giao thông và CSGT phối hợp theo dõi hoạt động tại trạm, trường hợp kẹt xe yêu cầu đơn vị đầu tư phải xả trạm, nếu không sẽ bị tỉnh xử lý", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, tỉnh rất thông cảm với tài xế ở thời điểm phí vận tải cao, họ có quyền đấu tranh cho quyền lợi nhưng cần bình tĩnh, đúng theo quy định pháp luật, tránh gây ảnh hưởng đến giao thông chung.
"Về yêu cầu di dời trạm thì chúng tôi chưa có ý kiến vì dự án này do Bộ phê duyệt. Còn UBND tỉnh Tiền Giang trước đây đồng ý thỏa thuận vị trí lắp trạm thế nào thì tôi không rõ vì mới nhận nhiệm vụ. Nhưng có thể thấy mức phí hiện nay là khá cao", ông Tuấn nói và cho biết đã chỉ đạo Sở Giao thông tính toán lại mức phí hợp lý để kiến nghị lên Bộ điều chỉnh.
Ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang - cũng đề xuất mức phí 35.000 đồng một lượt nên giảm xuống còn 25.000 đồng, 180.000 đồng một lượt giảm xuống còn 150.000 đồng.
"Dự án cao tốc Trung Lương - TP HCM có quy mô đầu tư lớn hơn nhưng mức vé thấp nhất của họ là 40.000 đồng một lượt, còn dự án của BOT Tiền Giang vé thấp nhất 35.000 đồng một lượt là khá cao", ông Bon nói.
>>Trạm thu phí Cai Lậy kẹt xe chiều 9/8
Ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - cho biết, đơn vị vẫn chưa nắm được đề nghị hạ mức phí từ tỉnh. "Do mức phí và vị trí đặt trạm trước đây đã được Bộ Tài chính và Bộ Giao thông phê duyệt nên thay đổi cũng phải do Bộ quyết định", ông Hiệp nói.
Lãnh đạo đơn vị thu phí cho biết, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đề xuất miễn giảm phí cho chủ phương tiện tại trạm thu phí Cai Lậy do nhà đầu tư đề xuất, khi có ý kiến thống nhất của địa phương, sau đó Bộ Giao thông sẽ phê duyệt.
"Chúng tôi chưa nhận được đề xuất từ phía chủ đầu tư hay tỉnh Tiền Giang về các chính sách hỗ trợ cho người dân xung quanh dự án", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Về vị trí đặt trạm thu phí, Thứ trưởng Đông khẳng định, trạm thu phí được đặt trên Quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh dài 12 km qua thị xã Cai Lậy và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26 km. Do vậy, trạm thu phí nằm trên khu vực dự án chứ không phải nằm bên ngoài.
Theo Thứ trưởng Đông, khi phê duyệt dự án, vị trí đặt trạm thu phí đã được chủ đầu tư đưa vào phương án tài chính để đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Vị trí trạm thu phí đã được tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và chấp thuận.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm thu phí nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vô chai, bịch nylon hoặc đưa chậm từng tờ khi qua trạm để phản đối vì cho rằng cách đặt trạm ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý.
Một số tài xế khác chọn cách chạy vào đường huyện 63 và 67 nhỏ hẹp, né trạm thu phí. Các tài xế yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
>> Cung đường thu phí của trạm Cai Lậy
Hoàng Nam - Đoàn Loan