Ngày 7/8, theo ghi nhận của VnExpress, tại trạm thu phí Cai Lậy không xảy ra ùn ứ, nhân viên cũng không ghi nhận tài xế trả phí bằng tiền lẻ để phản đối như những ngày trước.
Trong khi đó, tại hai tuyến đường huyện 63 và 67, lượng ôtô tăng đột biến so với trước đây. "Từ lúc có trạm thu phí, xe tải, xe khách ùn ùn vào đường này. Đường đã nhỏ lại nhiều ổ gà, bụi, nay thêm nhiều xe khiến người dân đi lại khó khăn hơn trước", bà Lê Thị Liên, người dân địa phương, nói.
Để né thu phí, ôtô từ TP HCM về miền Tây, khi đến đầu tuyến tránh thị xã Cai Lậy, thay vì chạy thẳng theo Quốc lộ 1 hoặc vào tuyến tránh rồi đến trạm thu phí, nhiều tài xế chọn cách đi theo hai huyện lộ, sau đó vẫn trở lại Quốc lộ 1.
Đoạn đường này dài khoảng 5 km, trong khi đi theo Quốc lộ 1 phải mất 7 km. Nhưng do đường hẹp, xe có tải trọng trên 10 tấn di chuyển khó khăn nên thời gian đi gần như bằng nhau.
"Ngoài đi sai tuyến có thể bị CSGT phạt, đôi khi chúng tôi còn gặp người dân phàn nàn. Nhưng cũng đành làm liều, ai cũng vì mưu sinh thôi chứ đâu muốn gây thêm phiền hà cho nhau", tài xế Trần Văn Hải nói.
Ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang - cho biết, cơ quan này vừa nhận văn bản của đơn vị thu phí đề nghị hạn chế xe tải vào hai đường huyện nhằm tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Sở đang cập nhật lại lượt xe qua lại mỗi ngày tại hai đường này, để có phương án tiếp theo.
"Quan điểm của chúng tôi là tài xế vi phạm tải trọng, hay xe đăng ký tuyến cố định khác đi vào đường này mới xử lý được. Còn bình thường đường huyện cũng là đường của dân, tài xế đi đúng luật thì đâu thể cấm họ", ông Bon nói.
Chưa có quy định xử phạt tài xế bỏ tiền lẻ vào chai mua vé qua trạm
Liên quan đến hành vi đưa tiền lẻ của tài xế khi qua trạm thu phí, ông Đào Kim Trường - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - khẳng định tài xế không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu tài xế cố tình trả tiền lẻ từng tờ, hoặc cho vào chai, bịch nylon nhằm gây ách tắc giao thông, đơn vị sẽ nhờ công an mời họ chạy ra vị trí khác để cho các xe sau đi tiếp.
Đại tá Trần Hoài Bảo - Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Tiền Giang - cho biết, hiện chưa có quy định nào xử lý hành vi đưa tiền lẻ bỏ trong chai, bịch nylon hoặc đưa chậm từng tờ. "Họ vẫn trả tiền qua trạm thôi, tuy nhiên, lực lượng CSGT sẽ tiếp cận, nhắc nhở các tài xế tránh làm ảnh hưởng đến giao thông địa phương", ông Bảo nói.
Cùng quan điểm, đại diện Sở Giao thông vận tải Tiền Giang nhận định hành vi đưa tiền lẻ, nhét tiền lẻ trong chai, bịch nylon hoặc đưa chậm từng tờ có gián tiếp gây ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, từ trước đến nay, địa phương chưa từng gặp trường hợp tương tự, cũng chưa có quy định nào cụ thể xử lý hành vi này.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động với 85 nhân viên phục vụ, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm thu phí nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vô chai, bịch nylon hoặc đưa chậm từng tờ khi qua trạm để phản đối vì cho rằng cách đặt trạm ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Đơn vị thu phí lý giải phí bảo trì đường bộ hàng năm với phí đóng để sửa chữa ở đoạn này là khác nhau. Trong dự án này còn có hạng mục tăng cường, sửa chữa quốc lộ nên phải thu phí hoàn vốn. Việc đặt trạm đã được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận.
Hoàng Nam