Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam với chiều dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong 8 dự án đầu tư công, ba dự án là Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long) được khởi công từ cuối 2019, đang trong giai đoạn về đích.
Hiện tuyến Cao Bồ - Mai Sơn đạt sản lượng thi công đạt 72%, vượt kế hoạch khoảng 4%. Các nhà thầu đã làm xong nền móng, mặt đường nút giao Mai Sơn và 3 trong số 7 cầu trên tuyến. Nhiều đoạn đang được thi công lớp bê tông nhựa mặt đường và các hạng mục an toàn giao thông, chiếu sáng. Dự án dự kiến hoàn thành tháng 12 năm nay theo kế hoạch.
Tuyến Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Trong đó, 3 gói thầu có thể hoàn thành trong năm nay, 6 gói thầu xong trong quý 1 và 2 gói thầu hoàn thành vào quý 2 năm sau.
Theo Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), sản lượng thi công dự án này đạt khoảng 51%, chậm 4% so với kế hoạch. Vấn đề khó khăn hiện nay là gói thầu XL05, XL06 thi công nền đường bị thiếu đất đắp và gói thầu thi công cầu Sông Bồ chậm tiến độ do nhà thầu không thực hiện. Hai gói thầu XL08, XL09 phải xử lý nền đất yếu bằng giếng cát kết hợp gia tải chờ lún khoảng 10 tháng.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã cảnh cáo, thuyên chuyển một số nhà thầu yếu kém tại dự án này, đồng thời yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ tiến độ, yêu cầu nhà thầu thi công bù lại khối lượng chậm.
Cầu Mỹ Thuận 2 đang được đơn vị thi công triển khai 4 gói thầu, còn một gói thầu trụ tháp, dầm dây văng trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 này. Dự án đạt sản lượng 33% kế hoạch, chậm khoảng 2% kế hoạch. Cầu Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành năm 2023.
Ba dự án đầu tư công khác được Quốc hội cho phép chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công là Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) đã khởi công năm 2000, dự kiến hoàn thành cuối 2022.
Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông cho hay ba dự án trên đang chậm tiến độ so với kế hoạch, do thiếu vật liệu đất đắp nền đường. Các địa phương trên tuyến đều thiếu các mỏ vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nhà thầu huy động máy móc, thiết bị tại Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng chưa đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.
Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 đang triển khai toàn bộ 5 gói thầu, sản lượng thi công đạt 10%, chậm hơn 2% so với kế hoạch. Một số hạng mục chậm tiến độ như đào nền đường, đắp đất nền đường còn vướng mặt bằng.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang triển khai 4 gói thầu, sản lượng thi công đạt 9%. Các gói đều bị chậm tiến độ do đường công vụ vướng mặt bằng, nền đường thiếu vật liệu đắp; nhà thầu thi công cọc khoan nhồi cầu chậm.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt sản lượng thi công 6%, chậm gần 2% kế hoạch. Cả 4 nhà thầu thi công chậm đắp đất nền đường do thiếu vật liệu. Đặc biệt gói thầu số 3 chưa có nguồn đất đắp nên nguy cơ không đảm bảo hoàn thành 24 tháng.
Để gỡ vướng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc, giữa tháng 6, Chính phủ đã cho phép các tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác vật liệu đủ cung cấp cho các đơn vị xây dựng cao tốc Bắc Nam.
Hai dự án đầu tư công khác là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An) đang được các ban quản lý dự án chọn nhà thầu xây lắp, trình lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt để khởi công vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7 tới.
Trong số ba dự án đầu tư theo hình thức PPP, hai dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm đã được Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng BOT với chủ đầu tư, trong đó dự án Diễn Châu - Bãi Vọt khởi công vào tháng 5 vừa qua, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024; tuyến Nha Trang - Cam Lâm dự kiến khởi công tháng 7, hoàn thành năm 2023.
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư, dự kiến ký hợp đồng BOT vào cuối tháng 6 và khởi công vào tháng 9, hoàn thành trong năm 2024.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay các tỉnh thành có dự án cao tốc đi qua đã bàn giao 634 trong số 652 km đường (đạt 97%), còn lại 18 km chưa bàn giao chủ yếu do địa phương chưa hoàn thành khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Ngành giao thông đã kiến nghị Chính phủ đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 3; yêu cầu các ban quản lý dự án cùng địa phương giải quyết dứt điểm tồn tại về mặt bằng, đảm bảo tiến độ các dự án.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km, trong đó 654 km đi qua 13 tỉnh thành, thuộc 11 dự án đang được xúc tiến xây dựng.
Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông sẽ đầu tư 659 km còn lại đến năm 2025.