Tôi thấy tiền điện tử 'hệ chó mèo' không phải là "tiền điện tử" như nhiều người vẫn gọi. Về bản chất, tôi cho rằng các coin Doge, Shiba, Akita, Poodl, FXT, Kishu... mà nhiều người đầu tư giống vật phẩm ảo trong game hơn.
Meme coin cũng giống như lúc xưa chơi game, nhà phát hành tạo ra một vật phẩm hiếm, có khi cả sever chỉ có một hai cái, nên nếu ai may mắn nhặt được có thể bán cho các game thủ khác. Tiền thật thu về từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
Thế nhưng, các vật phẩm trong game đắt vì nó hiếm, do được nhà phát hành khống chế số lượng. Còn các loại meme coin này không hề hiếm, ai rành kỹ thuật một xíu là có thể tự tạo ra một loại "tiền số" cho riêng mình rồi. Ví dụ như Dogecoin, mỗi ngày có thêm khoảng 20 triệu coin mới, một năm có thêm khoảng 5 tỷ coin mới. Còn SHIB tổng số lượng hiện nay là 1 triệu tỷ coin. Điều quan trọng là có ai chịu đầu tư, mua vào hay không thôi.
>> Giấc mơ 'về hưu sớm nhờ Bitcoin' sụp đổ
Chính vì thế mới sinh ra trò "lùa gà", kêu gọi và dẫn dắt nhiều người đầu tư. Dễ thấy nhất là hồi tháng 5, các fanpage, trang cá nhân của một số nghệ sĩ Việt đã quảng cáo cho một loại meme coin. Ở tầm thế giới, sau một tweet đăng hình chó Shiba lên trang cá nhân của tỷ phú Elon Musk, đồng coin cùng tên đã tăng giá vùn vụt.
Đấy không phải lùa gà, hay cá mập đang lùa cá con thì là gì?
Và đáng buồn thay, có nhiều người vẫn tình nguyện nhảy vào vỗ béo cá mập vì tâm lý Fomo, sợ mất cơ hội, ham làm giàu, "bỏ vài trăm USD xem như mua xổ số, biết đâu coin tăng giá thì sẽ giàu to"...
Hàng trăm, hàng nghìn người đều nghĩ như vậy, mỗi người chỉ cần mua một ít thì các cá mập đã kiếm bộn tiền. Họ rung đùi chờ ngày "khai tử" đồng tiền điện tử này, khi đó các cá con chỉ biết trách số mình đen mà thôi.
Khánh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.