Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo phụ nữ có kế hoạch mang thai nên chủ động tiêm vaccine phòng viêm gan B trước khi mang thai. Lý do là viêm gan B có đường lây chủ yếu từ mẹ sang con khiến nhiều thế hệ trong cùng một gia đình đều nhiễm virus. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của viêm gan B, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B chiếm khoảng 10 đến 20% dân số, tỷ lệ phụ nữ mang thai chiếm 10 đến 16%.
Viêm gan B cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Thai phụ mắc viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể tăng nguy cơ sinh non. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus viêm gan B (HBV) từ mẹ, nguy cơ phát triển thành bệnh mãn tính là 90%, khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Do đó, phụ nữ có kế hoạch mang thai cần thiết tiêm vaccine viêm gan B, nên tiêm trước khi mang thai để cơ thể kịp sinh kháng thể, bảo vệ cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Trước khi tiêm, phụ nữ cần thực hiện xét nghiệm để xác định xem cơ thể đã bị viêm gan B hay đã có kháng thể kháng lại virus hay chưa.Tùy theo kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định số mũi tiêm phù hợp cho từng người.
Trong thai kỳ, vaccine viêm gan B được khuyến cáo cho thai phụ chưa có miễn dịch và có nguy cơ cao, ví dụ có chồng đang nhiễm virus viêm gan B; làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với máu, kim tiêm... Thai phụ cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ sản khoa đang theo dõi thai kỳ để hiểu rõ về lợi ích và nguy cơ khi có mong muốn tiêm vaccine phòng viêm gan B. Các trường hợp mang thai khi chưa hoàn thành phác đồ có thể được tiêm tiếp sau khi sinh con nếu thuộc nhóm không có nguy cơ.
Trường hợp thai phụ nhiễm virus viêm gan B trong thai kỳ và chưa được tiêm chủng, vaccine sẽ không có tác dụng. Thai phụ cần theo dõi điều trị bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, BS Chính lưu ý, kháng thể của mẹ truyền cho trẻ thông qua nhau thai không bền vững và sẽ giảm dần theo thời gian. Dù mẹ đã tiêm vaccine, trẻ vẫn cần tiếp tục tiêm vaccine để phòng bệnh. Hiện vaccine viêm gan B được tiêm cho trẻ ngay sau sinh trong vòng 24 giờ nếu sức khỏe em bé ổn định. Trẻ có mẹ mắc viêm gan B, sẽ được tiêm thêm huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Trẻ sơ sinh không cần xét nghiệm trước khi tiêm.
Để quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn và hiệu quả, bác sĩ Chính khuyến cáo mọi người lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, bảo quản vaccine chất lượng, khai báo đầy đủ các thông tin khám sàng lọc cho bác sĩ và tuân thủ ở lại 30 phút theo dõi sau tiêm. Sau đó, mọi người cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.
Nhật Linh
Vào 9h ngày 14/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC và hãng dược phẩm Sanofi Pasteur tổ chức "Lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 12" miễn phí theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cung cấp các kiến thức y khoa hữu ích và mới nhất để chăm sóc mẹ bầu trước, trong và sau sinh.
Lớp học có hai bài giảng:
Tầm quan trọng của vaccine viêm gan B cho mẹ bầu và thai nhi do ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống VNVC trình bày;
Lợi ích của việc sinh thường và sinh mổ do BS.CKII Nguyễn Ngọc Thoại, bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trình bày.
Lớp học sẽ diễn ra vào 9 giờ ngày 14/10 tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 1, địa chỉ tầng trệt, khối 4, tòa nhà Astoria, 383-385 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TP HCM.
Độc giả quan tâm và đăng ký tham gia tại đây