Bác sĩ CK1 Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên trong bối cảnh các bệnh viện tại TP HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện 346 ca dương tính, từ cuối tháng 5 đến nay. Trong một tháng qua, ba trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng. Sở Y tế TP HCM đề xuất công bố dịch sởi.
Sởi lây qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Tiếp xúc với dịch tiết người bệnh trên đồ vật cũng có thể lây bệnh. Virus có thể tồn tại trong không gian khoảng hai giờ. Để phòng bệnh, bác sĩ Phương hướng dẫn phụ huynh cho trẻ tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa sởi, cách ly ca nghi bệnh, tránh tiếp xúc đông người, giữ vệ sinh cá nhân và nâng cao thể trạng.
"Tiêm đủ hai mũi vaccine sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất", bác sĩ Phương nói. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, độ bao phủ vaccine đạt 95% sẽ giúp kiểm soát hoàn toàn dịch sởi, chỉ thỉnh thoảng phát hiện vài ca lẻ tẻ.
Việt Nam có ba loại vaccine sởi, gồm: mũi đơn MVVAC (Việt Nam), mũi phối hợp sởi - rubella MRVAC (Việt Nam), mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ) và Priorix (Bỉ). Tiêm đủ vaccine giúp ngăn sởi và biến chứng đến 98%, miễn dịch bền vững trong thời gian dài.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ tiêm vaccine ngừa sởi khi 9 tháng tuổi và nhắc lại một mũi sởi - rubella lúc 18 tháng tuổi. Nếu tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm mũi sởi đơn hoặc mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella lúc 9 hoặc 12 tháng tuổi. Tùy theo tình hình dịch bệnh, bác sĩ chỉ định một trong hai phác đồ: hai mũi cách nhau ba tháng hoặc mũi thứ hai tiêm khi 4-6 tuổi.
Đối với nhóm dưới 9 tháng tuổi, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện, theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, MVVAC (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng trong vùng dịch. Khi 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tại TP HCM, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một cho trẻ sinh năm 2023 chỉ hơn 89%, chưa quận huyện nào đạt 95%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ hai cho trẻ lớn hơn cũng chưa đạt mốc tạo miễn dịch này. Có những địa phương 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ 95%, gồm các quận 5, 8, 11, 12, Củ Chi, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức.
Người thân trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine và chủ động phòng bệnh, tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Trẻ dưới 9 tháng chưa đủ tuổi chủng ngừa cần tăng phòng bệnh bằng cách tránh khu đông người, nâng cao thể trạng, chế độ dinh dưỡng đủ các nhóm chất. Nơi trẻ sinh hoạt cần thông thoáng, đồ chơi và đồ dùng cá nhân làm sạch thường xuyên.
Cách ly trẻ, người chăm sóc trẻ nếu gia đình, khu vực có ca nghi mắc, bệnh nhân sởi. Trường hợp bắt buộc tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi mắc, người lớn thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ. Trong quá trình chăm sóc trẻ, các thành viên của gia đình thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Những khu vực nghi ngờ nhiễm dịch tiết của bệnh nhân cần khử trùng bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường 1-2 lần mỗi ngày. Sàn nhà, nắm đấm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung... cũng cần khử khuẩn thường xuyên.
Người mắc bệnh sởi thường có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban. Sởi có thời gian lây trước khi phát ban 5 ngày, trẻ sốt nhẹ mà không phát hiện sớm để cách ly sẽ gây nguy cơ lây lan cho trường học, cộng đồng. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và chữa trị, cách ly tại nhà khi xác định mắc sởi.
Bác sĩ Phương lưu ý gia đình không chữa bệnh bằng các biện pháp dân gian như tắm lá mùi, uống nước lá tre, hỗn hợp thảo dược... Các bài thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc khi uống hoặc nhiễm trùng da, khiến trẻ không được khám và điều trị bệnh kịp thời, bệnh diễn tiến nặng hơn.
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lưu hành phổ biến ở trẻ em, xuất hiện quanh năm song thường xuất hiện nhiều vào những tháng mùa đông xuân. Virus gây bệnh sởi lây truyền thông qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch rất nhanh ở trẻ em, khiến mầm bệnh khác xâm nhập gây viêm phổi, tiêu chảy, dẫn tới trở nặng hoặc tử vong.
Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi. Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng.
Bệnh nhân sởi cần cách ly điều trị tại nhà, tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, chia làm nhiều cữ ăn, uống nhiều nước. Không nên kiêng tắm, bởi có thể khiến trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng. Uống thuốc, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM lưu ý phụ huynh quan sát các dấu hiệu của trẻ bệnh sởi. "Nếu con thở mệt, thở nhanh, thở gấp hơn bình thường, cần đưa đến bệnh viện ngay", bác sĩ Khanh khuyên, thêm rằng khi trẻ bị sốt, ho nhưng chưa ra ban, không nên vội vàng dùng thuốc corticoid để nhanh hết ho vì sẽ làm yếu thêm hệ miễn dịch, thúc đẩy bệnh diễn tiến nặng hơn.
Hiện HCDC ghi nhận 57 phường xã ở 16 quận huyện TP HCM xuất hiện bệnh sởi. Trong số bệnh nhân có 25% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đa số dưới 5 tuổi. 84% bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi và 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Văn Hà