Trả lời:
Các nghiên cứu hiện nay cho thấy cả vaccine cúm và phế cầu đều có khả năng bảo vệ chéo trước các tác nhân virus liên quan đến viêm phổi trong đó có Covid-19.
Cụ thể, nghiên cứu đăng tải năm 2022 trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases (Tạp chí Bệnh truyền nhiễm) cho thấy khả năng bảo vệ chéo của vaccine phế cầu là giảm khoảng 23-49% tỷ lệ mắc viêm phổi do các loại virus hô hấp, trong đó có Covid-19. Ở đối tượng nguy cơ cao là người trên 65 tuổi, vaccine phế cầu còn giúp giảm 35% nguy cơ mắc, giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong bởi Covid-19.
Một nghiên cứu khác công bố năm 2021 trên Science Direct, người mắc Covid-19 nhưng đã tiêm cúm trước đó giảm 24% tỷ lệ nhập viện, thở máy và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
Tác nhân cúm, phế cầu và Covid-19 còn có thể gây đồng nhiễm (nhiễm nhiều mầm bệnh cùng một lúc), khiến tình trạng bệnh tăng nặng, nguy cơ tử vong cao. Ví dụ cúm và phế cầu khi đồng nhiễm làm tăng nguy cơ tử vong lên gấp 8 lần. Nếu mắc Covid-19, cúm và phế cầu cùng lúc, nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp 20 lần so với người chỉ mắc Covid-19.
Do đó, để bảo vệ bản thân trước Covid-19, bạn có thể lựa chọn tiêm bổ sung vaccine cúm và phế cầu bên cạnh các biện pháp phòng tránh khác như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, giữ khoảng cách.
Vaccine phế cầu được chủng ngừa sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến người lớn. Người lớn chỉ cần tiêm một mũi phế cầu đã có kháng thể. Còn mũi ngừa cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn. Sau phác đồ cơ bản, vaccine cúm cần tiêm nhắc mỗi năm để phòng các chủng virus cúm thay đổi hằng năm.
Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương
Chuyên viên y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC