Khi thời tiết bắt đầu nóng lên cũng là thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh dại. Ở Việt Nam, thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh dại là khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương, từ động vật lây sang người thông qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung. Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, khoảng 99% trường hợp mắc bệnh là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở cả động vật nuôi và động vật hoang dã.
Sau khi bị virus dại xâm nhập, nếu chủ thể không tiêm vaccine dại kịp thời, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12- 24 mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình tàn phá. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương, như ở đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, quãng đường di chuyển của virus đến não dài hơn và thời gian ủ bệnh cũng sẽ dài hơn.
Các triệu chứng thường bắt đầu 2-8 tuần sau khi bị động vật cắn. Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, người bệnh bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết bệnh nhân đều tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại, khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn là các nước châu Á và châu Phi thuộc vùng nhiệt đới.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, tại Việt Nam, bệnh dại xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Năm 1996, khi có Chỉ thị 92/TTg về tăng cường phòng chống bệnh dại, các biện pháp phòng chống được tăng cường và kết hợp, giúp số ca tử vong từ năm 1996-2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Những năm gần đây, bệnh dại gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Tiêm phòng được khuyến cáo cho người có nguy cơ dễ mắc bệnh, như bác sĩ thú y, nhân viên chăn nuôi, nhân viên kiểm lâm, người nghiên cứu về hang động, khách du lịch đến các vùng có dịch bệnh trên súc vật. Đây là những đối tượng nên tiêm dự phòng trước cả khi bị phơi nhiễm.
Với người bình thường, ngay sau khi bị động vật nghi ngờ nhiễm bệnh cắn, cần làm sạch vết thương kỹ càng bằng xà phòng và nước trong khoảng 15 phút, sau đó bôi dung dịch khử trùng (cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine), và đến ngay các cơ sở y tế tiêm phòng.
Thực tế, rất nhiều trường hợp nghĩ rằng chó nhà cắn thì sẽ không sao, vì trước đó con chó không có biểu hiện khác thường. Cho đến khi con chó chết, người bệnh bất ngờ lên dại thì mới cuống cuồng đi tiêm vaccine. Lúc này đã quá muộn, virus dại khi lên đến não thì không có thuốc nào chữa được.
Bác sĩ khuyên, ngay cả đối với vết cắn nhẹ, người bệnh vẫn nên tiêm vaccine dại để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể. Sau đó nên theo dõi vật nuôi trong 15 ngày. Ngoài ra, các gia đình nuôi chó, mèo hoặc động vật có vú khác cần phải cho đi chích ngừa theo đúng lịch tiêm phòng dại, nên rọ mõm, không thả rông vật nuôi ngoài đường.
Một số tác dụng phụ của vaccine này có thể là sưng, đau, đỏ da tại chỗ tiêm. Vaccine dại hiện nay có thể khiến người tiêm mệt mỏi sau khi tiêm nhưng phản ứng sẽ hết, hiếm gặp trường hợp sốc phản vệ.
Kim Ánh