"Tôi nghĩ có những lợi ích tiềm năng để tiêm trộn vaccine, nhất là khi các loại vaccine hiệu quả nhất còn thiếu hụt", Ben Cowling, giáo sư Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, nói với VnExpress.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/7 khuyến nghị các nước không nên vội vàng tiêm trộn vaccine, khi dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả và tác động đến sức khỏe còn hạn chế. Tuy nhiên, nguồn cung chậm trễ và biến thể lây lan đáng báo động thời gian gần đây khiến nhiều nước phải thay đổi tính toán về chiến lược tiêm chủng.
Ngày càng có nhiều quốc gia xem xét tiêm trộn vaccine cho liều thứ hai hoặc mũi tăng cường để bảo vệ người dân trước đại dịch. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 1/8 cho biết những người đã tiêm đủ hai liều Sinopharm hoặc Sinovac sẽ tiêm thêm liều AstraZeneca tăng cường, trong khi những người tiêm đủ liều AstraZeneca sẽ tiêm mũi nhắc lại Sinovac.
Thái Lan hôm 12/7 cũng cho biết tiêm mũi hai AstraZeneca cho những người đã tiêm mũi một Sinovac, trở thành nước đầu tiên công khai tiêm trộn giữa vaccine Trung Quốc và vaccine do phương Tây phát triển.
"Tiêm trộn vaccine ngày càng được quan tâm với những dữ liệu công bố gần đây cho thấy hiệu quả và khả năng bảo vệ cao trước các biến chủng của nCoV", tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cấp cao tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, Malaysia, chia sẻ.
Viện Huyết thanh Đan Mạch hôm 2/8 cho biết tiêm Pfizer hoặc Moderna sau liều một AstraZeneca tạo ra lớp bảo vệ tốt hơn cho con người trước Covid-19. Các nhà khoa học chỉ ra 14 ngày sau khi tiêm kết hợp, nguy cơ nhiễm nCoV đã giảm 88% so với người chưa tiêm.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc vào tháng 7 cho thấy tiêm mũi hai Pfizer sau khi tiêm mũi một AstraZeneca giúp tăng 6 lần mức độ kháng thể trung hòa so với hai liều AstraZeneca. Trước đó, nghiên cứu Com-Cov của Đại học Oxford, Anh thực hiện hồi đầu năm cũng chỉ ra kết hợp Pfizer và AstraZeneca giúp tạo ra phản ứng của tế bào T và phản ứng kháng thể tốt hơn.
Trong nghiên cứu khác do Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) công bố hôm 30/7, thử nghiệm tiêm trộn vaccine Sputnik V và AstraZeneca cho thấy không gây tác dụng phụ nghiêm trọng và không ghi nhận trường hợp nhiễm trong số những tình nguyện viên sau đó.
"Kết hợp hai loại vaccine có thể cung cấp cho hệ thống miễn dịch nhiều cách để nhận biết mầm bệnh", tiến sĩ Balasubramaniam nói. "Các loại vaccine khác nhau diễn giải cùng một thông tin theo những cách khác nhau. Những khác biệt đó có thể đánh thức các bộ phận khác nhau của hệ miễn dịch hoặc giúp tạo ra phản ứng nhạy bén hơn".
Ông Balasubramaniam lạc quan rằng tiêm trộn vaccine cũng có thể giúp kéo dài thời gian miễn dịch, vì "một bức tranh được hiển thị ở các góc độ khác nhau giúp tế bào miễn dịch ghi nhớ tốt hơn".
Giới chức y tế Đức hôm 2/8 cho biết quốc gia này dự kiến sử dụng Pfizer và Moderna để tiêm liều tăng cường cho những người cao tuổi và có hệ miễn dịch kém từ tháng 9, bất kể trước đó đã tiêm loại vaccine nào.
Tiêm trộn vaccine có thể giúp tăng tính linh hoạt cho chương trình tiêm chủng của các nước và giúp nhiều người được bảo vệ hơn, theo Balasubramaniam. "Nếu một loại vaccine bị thiếu hụt, thay vì tạm dừng toàn bộ chương trình tiêm chủng để đợi nguồn cung, chúng ta có thể tiếp tục với một loại vaccine khác", ông nói.
Hơn 200 triệu người nhiễm và hơn 4 triệu người chết vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019. 4,36 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với trung bình 40,31 triệu liều mỗi ngày. 29,6% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều và 15,2% hoàn thành tiêm chủng. Trong khi tại nhiều nước giàu, 60-80% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, tỷ lệ này ở nhóm nước thu nhập thấp chỉ khoảng 1,1%, theo Our World in Data.
Giới chuyên gia lo ngại chiến dịch tiêm chủng vaccine chậm ở nhiều nước do nguồn cung hạn hẹp có thể tạo kiều kiện cho virus tiếp tục lây lan mạnh và đột biến nguy hiểm hơn. Không ít nhà khoa học nhận định Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh theo mùa như cúm và nhiều quốc gia có thể phải tính đến phương án tiêm vaccine nhắc lại hàng năm cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Vaccine hiện được xem là chìa khóa giúp thế giới quay lại cuộc sống bình thường. Hầu hết quốc gia đều cố gắng tăng tốc tiêm chủng để có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng chống Covid-19 sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo ngay cả những vaccine hiệu quả nhất cũng không hoàn hảo, khi số ca nhiễm đột biến được báo cáo gần đây dù không có nguy cơ dẫn tới nhập viện và tử vong cao. Do đó, các biện pháp hạn chế vẫn được xem rất quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, nhất là khi phải đối mặt với những biến chủng nguy hiểm như Delta.
"Đối với các quốc gia đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ phủ vaccine, biện pháp y tế cộng đồng vẫn rất cần thiết để ngăn chặn virus lây lan và giúp có thêm thời gian thúc đẩy tiêm chủng", giáo sư Cowling nói.
"Bất chấp rủi ro từ Delta, chiến lược y tế cộng đồng đã được sử dụng xuyên suốt đại dịch vẫn có hiệu quả. Không nên quên rằng chúng ta đã có những vũ khí như khẩu trang, giãn cách xã hội để giảm nguy cơ lây nhiễm. Do đó, mục tiêu của chúng ta là lạm chậm lây lan bằng cách tuân thủ các biện pháp hiện có và tăng tốc tiêm chủng", tiến sĩ Balasubramaniam chia sẻ về chiến lược đối phó Delta.
Thanh Tâm