Shibani Mahtani là trưởng văn phòng Đông Nam Á của Washington Post và đã làm việc tại Hong Kong trong nhiều tháng qua. Hong Kong đã đóng biên với gần như tất cả người không phải thường trú nhân kể từ tháng 3/2020. Cho đến tháng 5, hầu hết cư dân trở về Hong Kong phải cách ly trong khách sạn lên tới 21 ngày.
Khi thời hạn cách ly được giảm xuống còn 14 ngày, sau đó là 7 ngày với người đã tiêm phòng đầy đủ vào cuối tháng 6, Mahtani đặt vé máy bay, gia hạn thị thực và gấp rút làm xét nghiệm huyết thanh cần thiết. Sau đó, cô lên đường về Anh để đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên sau 17 tháng và gặp người cháu mới chào đời.
Hong Kong khi đó nằm trong danh sách "vàng" của Anh, tức là người nhập cảnh từ thành phố này phải tự cách ly trong 10 ngày hoặc chấp nhận xét nghiệm thêm mất phí để kết thúc cách ly tại nhà sớm vào ngày thứ 5. Mahtani đến London, tận hưởng khoảng thời gian tại nhà chị gái cùng gia đình.
Vài ngày sau, Mahtani nhận được tin không vui: Hong Kong ra quy định cấm tất cả người đến từ Anh. Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 28/6, thời hạn cách ly mà Mahtani phải đối mặt khi trở về Hong Kong đã giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày rồi sau đó tăng vọt lên 21 ngày và cuối cùng là cấm nhập cảnh hoàn toàn.
Để né lệnh cấm, Mahtani phải đến một nước khác không phải Anh, sống tại đó 21 ngày rồi bay về Hong Kong. Mahtani cắt ngắn chuyến đi London, đặt vé đến Mỹ và dành 21 ngày ở Bờ Đông trước khi trở về Hong Kong.
Cô lại gặp một rắc rối khác: Mỹ vẫn đóng cửa với người đến từ Anh, ngay cả với những người có thị thực Mỹ, trừ khi đủ điều kiện để được nằm trong nhóm ngoại lệ. "Nhưng không ai tại lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài có thể thực sự xác nhận rằng bạn đủ điều kiện. Về cơ bản, bạn phải mang theo bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh mình đủ điều kiện hưởng ngoại lệ, túc trực ở sân bay và hy vọng về kịch bản tươi sáng nhất", Mahtani nói.
Vì vậy, Mahtani một lần nữa thu thập giấy tờ, kết quả xét nghiệm nCoV mới nhất (đến thời điểm này, Mahtani đã xét nghiệm hầu họng 4 lần trong hai tuần) và làm thủ tục tại sân bay Heathrow. Nhân viên hàng không cho biết cô không thể làm thủ tục cho Mahtani nếu không có sự chấp thuận của một quan chức Bộ An ninh Nội địa.
Trong khi Mahtani chờ đợi một giờ để được chấp thuận, nhân viên làm thủ tục mô tả sự hỗn loạn diễn ra hàng ngày tại Heathrow. Cô cho biết một ngày trước đó, một quốc gia đã siết yêu cầu về thời hạn xét nghiệm nCoV trước khi khởi hành từ 72 giờ xuống 48 giờ, nghĩa là hầu hết mọi người xếp hàng để làm thủ tục không đáp ứng quy định mới và phải hủy chuyến bay. Người phụ nữ đứng bên cạnh Mahtani muốn đến Hy Lạp nhưng không biết rằng cô ấy cần xét nghiệm nCoV và phải hủy chuyến đi.
Cuối cùng, Mahtani được phép xuất cảnh và đến cổng ra máy bay. Tuy nhiên, sau 4 giờ trì hoãn, chuyến bay của Mahtani đến sân bay JFK ở New York bị hủy vì sự cố với máy bay. Mahtani phải làm lại từ đầu: Nhập cảnh nước Anh một lần nữa, khai lại giấy tờ và trở lại Heathrow vào sáng hôm sau với kết quả xét nghiệm nCoV mới. Một lần nữa, Mahtani cần sự chấp thuận của quan chức Bộ An ninh Nội địa. "Lần này, may mắn đã đứng về phía tôi", Mahtani nói.
"Khi tôi đến Mỹ, ba tuần tiếp theo thật dễ dàng, đó là bằng chứng cho thấy những hạn chế ở đó lỏng lẻo thế nào so với các nơi khác. Thật bất ngờ khi nhìn thấy những người không đeo khẩu trang trong nhà và những nhóm lớn ăn uống tại nhà hàng. Khi tôi đeo khẩu trang tại các cửa hàng tạp hóa, đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn, nhiều người nhìn tôi chằm chằm hay có ánh mắt kỳ lạ", Mahtani kể.
"Khi không đeo khẩu trang, tôi liên tục chạm vào mặt, phản xạ sau 17 tháng đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi, ngay cả phòng gym, tại Hong Kong", cô nói thêm.
Sau ba tuần ở Mỹ, Mahtani trở về Hong Kong. Hãng hàng không Cathay Pacific đã thay đổi lịch bay ba lần. Mahtani cùng bạn trai ra sân bay sớm ba giờ và đó là quyết định hợp lý vì mất khoảng một giờ để 6 nhân viên kiểm tra tất cả tài liệu của họ trước khi cấp thẻ lên máy bay.
Sau chuyến bay kéo dài 16 giờ, Mahtani lại phải qua khâu kiểm tra giấy tờ và xét nghiệm nCoV khi đến nơi. Họ được cấp một chiếc sandwich, một ít bánh quy và một chai nước trong suốt thời gian chờ đợi.
Sau 7 giờ, Mahtani hoàn thành thủ tục nhập cảnh và được đưa lên xe buýt để đến khách sạn cách ly. "Khi đến khách sạn, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, cho đến khi nhận ra rằng chỉ cần bước quá xa ra khỏi cửa phòng đã là hành vi phạm tội", cô nói.
"Giờ tôi đang gần kết thúc 7 ngày cách ly. Tôi phải làm xét nghiệm hầu họng vào ngày thứ 5, đây là lần thứ 9 tôi xét nghiệm hầu họng trong chuyến đi. Sau khi hoàn thành cách ly, chúng tôi sẽ cần thực hiện thêm ba lần xét nghiệm nữa và phải báo cáo kết quả cho chính quyền Hong Kong, nếu không sẽ có nguy cơ bị phạt", Mahtani cho biết.
"Thành phố đã trải qua gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hong Kong, từng phụ thuộc vào du lịch, sẽ sớm bắt đầu cho phép những người không phải thường trú nhân nhập cảnh, nhưng chỉ khi họ tuân theo quy trình tôi đã kể", cô nói thêm.
"Và đến khi tôi bị chọc mũi để lấy mẫu xét nghiệm lần cuối, tôi sẽ không đi đâu trong một thời gian dài, trừ khi họ thay đổi các quy tắc".
Phương Vũ (Theo Washington Post)