Vaccine ngừa lao BCG đã được phát triển và tiêm chủng trên toàn cầu trong hơn 100 năm. Ngoài tác dụng ngăn bệnh lao ở trẻ sơ sinh, BCG còn được ứng dụng để điều trị cho một số dạng ung thư bàng quang hoặc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong 12 tháng so với những người không tiêm... Do đó, các nhà khoa học đã mở rộng nghiên cứu tác động của vaccine này đối với bệnh Alzheimer.
Theo một phân tích tổng hợp hôm 25/2 nêu hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình khoảng 45% đối với Alzheimer. Một nghiên cứu thực hiện năm 2019, thu thập dữ liệu của 1.371 người được tiêm BCG để phòng bệnh hoặc điều trị ung thư bàng quang. Kết quả, chỉ 2,4% bệnh nhân được điều trị bằng vaccine lao phát triển bệnh Alzheimer sau 8 năm. Khi khảo sát rộng hơn trên nhóm 6.500 bệnh nhân ung thư bàng quang ở Massachusetts (Mỹ), những người đã được tiêm thuốc giảm đáng kể khả năng mất trí nhớ.
Trên động vật, chuột thí nghiệm được tiêm vaccine đã giảm tình trạng viêm não, có khả năng năng nhận thức tốt hơn nhiều so với những con chuột khác cùng độ tuổi.
Từ đây, các chuyên gia đánh giá BCG có tiềm năng ngăn chứng suy giảm trí nhớ phát triển. Marc Weinberg, người nghiên cứu về Alzheimer tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Boston, Mỹ), cho rằng so với các lựa chọn khác, BCG có lợi thế lớn nhờ giá rẻ, an toàn, đã được triển khai toàn cầu dù chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ khiêm tốn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê năm 2023, toàn cầu có 55 triệu người mất trí nhớ với khoảng 10 triệu ca mắc mới mỗi năm. Bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 60-70% trường hợp. Các hội chứng sa sút trí tuệ đứng thứ 7 trong nhóm gây tử vong ở người lớn, đồng thời gây ra tình trạng khuyết tật, sự phụ thuộc của người già trên toàn cầu.
Do đó, giáo sư Charles Greenblatt của Đại học Do Thái ở Jerusalem, nhận định: "Chỉ cần trì hoãn sự phát triển của bệnh Alzheimer trong vài năm sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều về tiền bạc, tinh thần".
Alzheimer là bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, ảnh hưởng chất lượng sống và làm việc. Bệnh do các mảng bám gọi là amyloid beta tích tụ trong não gây ra. Chất này giết chết các tế bào thần kinh và phá hủy các kết nối khớp thần kinh giữa các tế bào.
Nguyên nhân khiến mảng bám phát triển hiện chưa được kết luận, song có nhiều bằng chứng cho thấy chúng xuất hiện khi hệ thống miễn dịch gặp trục trặc. Khi còn trẻ, khả năng phòng vệ của cơ thể có thể ngăn vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập não. Khi lão hóa, miễn dịch kém hiệu quả hơn, khiến mầm bệnh xâm nhập vào mô thần kinh. Amyloid beta được sản xuất để chống mầm bệnh xâm nhập tạm thời, sau đó bị tế bào miễn dịch não loại bỏ.
Tuy nhiên, cơ chế nói trên xảy ra trục trặc khi lão hóa, gây ra tình trạng viêm lan rộng và tàn phá thần kinh sâu hơn. Nhiều báo cáo khám nghiệm tử thi cũng cho thấy mầm bệnh tồn tại trong amyloid beta. Nếu lý thuyết này đúng, việc tăng cường chức năng tổng thể của hệ thống miễn dịch nhờ vaccine có thể ngăn chặn bệnh phát triển.
Chi Lê (Theo Guardian, WHO)