Ở tọa đàm "Khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch trong bối cảnh mới" hôm 26/10, các chuyên gia nhắc đến các cường quốc du lịch trong khối ASEAN là Singapore, Thái Lan và Malaysia... Tuy nhiên, họ cho rằng vị thế này có thể thay đổi nếu Việt Nam tăng tốc và khai thác tốt lợi thế của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch nhờ vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng vô số thắng cảnh từ Bắc chí Nam.
Ông Đính cũng dẫn lại Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ và chiến lược phát triển kinh tế du lịch, trong đó có nhiệm vụ tận dụng lợi thế địa lý, khai thác triệt để các tiềm năng. Ông tin định hướng năm 2025 cùng tầm nhìn 2030 sẽ thành công và Việt Nam lần lượt vào top 30 rồi top 10 cường quốc có năng lực cạnh tranh kinh tế du lịch mạnh nhất toàn cầu.
"Việt Nam có bờ biển dài 3.200 km, khí hậu trong lành và nhiều bãi biển, khu rừng đẹp. Để đạt mục tiêu chiến lược Chính phủ đã đặt ra, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng, đảm bảo cho hoạt động kinh tế du lịch phát triển một cách mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá hiện bất động sản du lịch mới ở bước khởi đầu", ông Đính nói.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam thống kê có khoảng 216 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở 10 tỉnh thành trong năm 2020. Số lượng sản phẩm còn khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Theo tính toán, đến năm 2025 và 2030, Việt Nam phải đón trên 50 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng gần 200 triệu lượt khách nội địa. Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư mạnh, điển hình là ở Quảng Ninh, Phú Quốc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiên...
Chuyên gia dẫn chứng cụ thể trong 216 dự án này có chưa đầy 100.000 condotel (căn hộ du lịch); villa, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ gần 30.000 căn; dòng shophouse mới đạt khoảng 15.663 sản phẩm, trong đó mới đưa vào sử dụng chưa đầy 5.000...
Giá sản phẩm du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này, nhất là những "ông lớn" nước ngoài.
Ở góc nhìn của đơn vị tư vấn, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cho rằng dù có lợi thế địa lý, tự nhiên, du lịch Việt Nam vẫn không bằng các nước trong khu vực lẫn thế giới. Điểm yếu đầu tiên là sự đơn điệu về sản phẩm du lịch, thứ hai là tầm vĩ mô.
Theo ông, nếu xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp vào GDP thì các nhà làm luật, đơn vị đầu ngành cần cải thiện cơ chế, nới lỏng hàng lang pháp lý, từ đó mở rộng các dịch vụ liên quan du lịch. Có vậy mới tạo tiền đề để bất động sản nghỉ dưỡng thăng hoa, đạt được giá trị tương xứng tiềm năng.
Bài toán phát triển tiềm năng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chính sách; tầm vĩ mô - cơ quản chủ quản sẽ xử lý thế nào, làm gì để du lịch Việt Nam phát triển mạnh... Quan trọng nhất là bất động sản nghỉ dưỡng nên được hưởng lợi chứ không phải doanh nghiệp cứ xây resort, sau đó bán và thu hút du khách. Điều này sẽ khiến chủ đầu tư khó tạo ra giá trị gia tăng, đem lại cơ hội việc làm cho lao động địa phương...
Bên cạnh đó cần tính toán làm thế nào để thu hút du khách quay lại Việt Nam, chứ không để họ chỉ đến một lần rồi thôi. Vấn đề tần suất khách trở lại tham quan cũng là vấn đề nhiều cường quốc du lịch trăn trở. Chuyên gia nhấn mạnh phải có điều gì đó ấn tượng, du khách mới đến nhiều lần.
Hiếu Châu