Không đoàn số 388 và 419 được không quân Mỹ triển khai đến sườn đông NATO đầu tháng 2/2022, trở thành những đơn vị tiêm kích tàng hình F-35A đầu tiên của Mỹ hiện diện tại khu vực này khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.
"Chúng tôi không vượt qua biên giới, không khai hỏa vũ khí, nhưng các tiêm kích tàng hình F-35A liên tục theo dõi và thu thập dữ liệu tình báo. Chúng thực hiện nhiệm vụ theo cách gần như hoàn hảo", đại tá Craig Andrle, chỉ huy Không đoàn tiêm kích số 388, kể lại hoạt động của đơn vị trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.
Mục tiêu của các tiêm kích F-35A là thu thập tối đa dữ liệu điện tử về các hệ thống tên lửa phòng không và chiến đấu cơ tại châu Âu, hỗ trợ xây dựng bản đồ tác chiến cho NATO và bảo đảm khả năng ứng phó của liên minh nếu xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Đây được coi là cơ hội để không quân Mỹ thử nghiệm phương án triển khai lực lượng trong thời gian ngắn, cũng như thể hiện năng lực của tiêm kích F-35 trong kết nối với đồng minh và nhanh chóng thích nghi với những mối đe dọa chưa từng xuất hiện.
Đại tá Andrle kể rằng tiêm kích F-35A đã phát hiện và nhận diện hàng loạt mối đe dọa tại Ukraine và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, trong đó có nhiều trận địa tên lửa phòng không, và chuyển dữ liệu đến các đồng minh trong NATO.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng thể hiện một số hạn chế của tiêm kích F-35A, trong đó có năng lực phát hiện các hệ thống phòng không Nga đang áp dụng biện pháp tác chiến điện tử để ẩn mình.
"Có thời điểm chúng tôi theo dõi trận địa S-300 Nga. Dữ liệu tình báo khẳng định có một trận địa S-300 tại đó, nhưng tiêm kích F-35A của tôi không thể nhận diện nó, vì tổ hợp này đang vận hành trong chế độ dự bị thời chiến mà Mỹ chưa từng biết tới", đại tá Andrle thừa nhận.
Tiêm kích F-35A chỉ có thể đánh dấu vật thể nghi ngờ để binh sĩ cập nhật và nạp dữ liệu cho máy bay đồng minh, cho phép chiến đấu cơ NATO biết cách nhận diện và định vị mục tiêu trong những lần hoạt động sau.
"Chúng tôi không có đủ vũ khí để kiểm soát toàn bộ không phận tác chiến. Những chiếc F-35A đóng vai trò yểm trợ, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm tất cả đồng minh đều nắm được tình hình tác chiến trên không và dưới mặt đất", chỉ huy Không đoàn số 388 nói.
Phi đoàn tiêm kích số 34 trực thuộc Không đoàn số 388 bắt đầu chuẩn bị cho khả năng triển khai đến châu Âu từ tháng 10/2021. Đây là lần đầu họ tham gia "lực lượng phản ứng tức thời", trong đó yêu cầu các đơn vị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong vòng một tuần từ khi có lệnh.
Để thực hiện nhiệm vụ này, không quân Mỹ lựa chọn những tiêm kích F-35 có thể hoạt động liên tục 3 tháng mà không cần đại tu. Ngày 13/2/2022, các phi công Phi đoàn số 34 bắt đầu vạch lộ trình gần 8.200 km từ căn cứ tại bang Utah, Mỹ, đến Đức và lên đường sau đó một ngày.
12 tiêm kích F-35A và khoảng 300 quân nhân đáp xuống căn cứ Spangdahlem ở Đức hôm 16/2/2022, chỉ 8 ngày trước khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine. Các phi đội F-35A luân chuyển liên tục giữa sân bay Spangdahlem với các căn cứ ở Estonia, Litva và Romania.
Các phi công Mỹ khẳng định không gặp động thái khiêu khích nào trong những chuyến tuần tra Đông Âu, dù nhiều lần chạm mặt lực lượng không quân Nga đồn trú tại Kaliningrad và chiến đấu cơ Belarus, đồng minh thân cận của Moskva.
"Họ đang làm nhiệm vụ giống hệt chúng tôi. Hai bên chỉ quan sát nhau, không có tương tác trực tiếp và không có bất cứ hành động thiếu chuyên nghiệp nào", đại tá Brad Bashore, chỉ huy tác chiến Không đoàn số 388, cho hay.
Vũ Anh (Theo Air Force Times)