Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa New England, tái khẳng định những phát hiện tiền đề của giới khoa học Anh hồi tháng 5 về tác dụng của hai loại vaccine dựa trên dữ liệu thực tế.
Các nhà khoa học của Public Health England (PHE) cho biết hai liều Pfizer hiệu quả ngăn ngừa các ca nhiễm biến thể Delta có triệu chứng, tỷ lệ giảm không đáng kể so với tác dụng với biến thể Alpha.
Hai liều AstraZeneca có tác dụng 67% chống biến thể Delta, tăng so với mức 60% báo cáo ban đầu. Vaccine hiệu quả 74,5% với biến thể Alpha.
Nghiên cứu nêu rõ: "Khác biệt về tác dụng của hai liều vaccine ở hai loại biến thể Delta và Alpha là rất ít". Tuy nhiên, một liều vaccine chưa đủ để ngăn ngừa các biến thể. Nếu chỉ tiêm một liều vaccine, tỷ lệ bảo vệ dao động quanh ttrên mức 30%.
Tác giả nghiên cứu cho biết: "Phát hiện này giúp thúc đẩy cộng đồng dễ bị tổn thương đi tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành".
Vaccine Pfizer đươc WHO chấp thuận ngày 1/1, là loại vaccine đầu tiên được tổ chức đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Vaccine điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, thay vì virus nguyên bản đã bất hoạt hoặc giảm độc lực. Vaccine cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và tiêu diệt chúng sau này. Vaccine Pfizer sử dụng ở 103 nước.
WHO phê duyệt vaccine AstraZeneca hôm 15/2. Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vector vận chuyển vật chất di truyền của nCoV. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Thục Linh (Theo Reuters)