Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ tư, 3/1/2024, 00:00 (GMT+7)

Tiệm bánh tacos ở Hà Nội của ông chủ người Pháp

Mở tiệm tacos Pháp ở Hà Nội năm 2018, Julien Sanchez là một trong những người đầu tiên đưa loại bánh này đến Việt Nam.

French tacos (tacos Pháp) khác taco truyền thống của Mexico dù tên gọi gần giống nhau. Theo The New Yorker, tacos Pháp mới được phát minh vào đầu thế kỷ 21 ở vùng Rhône-Alpes. Tacos Pháp sử dụng vỏ tortilla (loại bánh mỏng, dạng tròn, dẹt, làm từ bột mì hoặc bột bắp, có nguồn gốc từ Mexico), và nhân được làm từ thịt, rau, khoai tây chiên và nước sốt. Đây cũng là thành phần cơ bản của một chiếc taco Mexico, chỉ khác ở chỗ tacos Pháp được cuộn chặt còn taco Mexico như một chiếc bánh kẹp hở miệng, không dùng khoai tây chiên.

Về hình thức, tacos Pháp trông giống bánh burrito Mexico hơn. Sự giống nhau này cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi, nhất là với người Mexico khi họ cho rằng có sự "chiếm đoạt văn hóa".

Julien Sanchez (ảnh) đến Việt Nam năm 2016 và nảy ra ý tưởng bán bánh tacos Pháp sau khi gặp vợ vào năm 2017.

Khó khăn lớn nhất ban đầu là giới thiệu cho khách hàng biết tacos Pháp là gì bởi ngay cả chính người Pháp nếu không ở gần Lyon đôi khi cũng không biết đến sự tồn tại của loại bánh này.

Julien cho biết thử tacos Pháp lần đầu khi lên cấp hai. Ở nơi anh sống, tacos giống một loại đồ ăn vặt, nguyên liệu chủ yếu từ đồ công nghiệp, giá rẻ, dễ mua.

Julien đặt tên cho cửa hàng là Hey Pelo với cơ sở đầu tiên ở quận Tây Hồ. Từ "pelo" trong tiếng lóng của vùng Lyon có nghĩa "bạn".

Ban đầu đối tượng khách anh nhắm đến là người nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, cửa hàng nhanh chóng thu hút cả khách Việt. Từ cửa hàng chỉ có vợ chồng Julien đứng bếp, họ đã phát triển thêm hai chi nhánh với 15 nhân viên mỗi cơ sở.

Trong ảnh là cửa hàng ở Ba Đình. Vào giờ ăn trưa, cửa hàng có tới hàng trăm đơn - chủ yếu mua mang đi hoặc gọi giao hàng. Nhiều khách đến quán phải chờ đợi lâu. Vào buổi tối, khách ngồi kín hai tầng quán.

Vào lúc cao điểm, Julien và quản lý cửa hàng phải vào bếp để hỗ trợ nhân viên.

Bánh của cửa hàng có 5 cỡ, từ XS đến L, giá dao động 75.000-350.000 đồng mỗi chiếc. Theo Julien, chiếc to nhất có kích cỡ ngang bắp tay, nặng khoảng 1 kg. Với thanh niên sức ăn trung bình, một phần cỡ S là hợp lý, với mức giá khoảng 130.000 đồng (đã có đồ ăn kèm).

Mỗi chiếc bánh đều được cá nhân hóa từ việc chọn kích cỡ đến thành phần nhân. Với rau, khách hàng có bốn lựa chọn như hành tây, cà chua, xà lách hay salad rau củ nấu. Cửa hàng cũng có 6 lựa chọn gồm cả thịt bò lẫn thịt gà cùng đồ chay.

Để gọi món, khách hàng sẽ lần lượt làm theo các bước gồm chọn kích cỡ, rau, thịt, sốt và tuỳ chọn đồ ăn kèm như dứa, olive, các loại phô mai. Các lựa chọn về rau, thịt và sốt đã bao gồm trong giá, phần tùy chọn đồ ăn kèm cần trả thêm, dao động 25.000 - 30.000 đồng.

Sau khi chọn xong, nhân viên sẽ bỏ các nguyên liệu vào vỏ bánh tortilla rồi cho vào máy nướng. Mỗi phần bánh mất khoảng 15-20 phút để hoàn thành, tính cả thời gian nướng.

Julien nói ở Pháp chiếc bánh được tạo ra ở một vùng ngoại ô với nhiều người nhập cư nên chủ yếu hướng tới người lao động, cần ăn nhanh, đủ no. Tuy nhiên, Julien nhận thấy ở Việt Nam, nguyên liệu tươi và sạch có nhiều. Rau được cửa hàng nhập từ nhà cung cấp riêng, luôn đảm bảo tươi. Vỏ bánh tortilla cũng được sản xuất ở một cơ sở riêng và các loại sốt được làm thủ công.

"Bên cạnh đảm bảo chất lượng, đây cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế địa phương", Julien nói.

Julien cuốn chặt chiếc bánh trước khi cho vào lò nướng. Anh cho biết ban đầu, chỉ có bốn cỡ bánh gồm S, M, L và XL. Tuy nhiên, khi lượng khách Việt đông hơn, nhiều người phàn nàn cỡ S vẫn quá to cho một người ăn. Vì thế, Julien quyết định làm thêm cỡ XS và đồng ý cắt bánh làm đôi từ cỡ S. Julien nói việc cắt bánh chỉ xuất hiện ở Việt Nam.

Những chiếc bánh được cho vào máy nướng.

Bánh được gói trong lớp giấy bạc để đảm giữ nóng kể cả khi mang đi. Trong hình là một chiếc bánh size S, giá 105.000 đồng.

Hoài Thương, sống tại quận Thanh Xuân, nhận xét phần nhân đầy đặn, gọi cỡ S đủ cho hai người ăn. Cô thích hương vị bò bằm, sốt phô mai đặc biệt của quán. Vỏ bánh mềm, được cuộn chặt nên giữ được độ nóng.

"Điểm trừ là thời gian chờ khá lâu, bánh dù được cuộn chặt vẫn dễ rớt nhân khi ăn. Hương vị khá ngon nhưng không thể ăn vài lần trong tuần như bánh mì vì béo và giá tương đối cao", cô nói.

Công đoạn làm bánh tacos
 
 

Công đoạn làm một chiếc bánh tacos Pháp.

Tú Nguyễn

Ảnh: Giang Huy

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net