Có những người dùng mạng xã hội thậm chí cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn sống và được thay bằng một người đóng thế. Vài người đồn ông đã được tiêm một loại vaccine bí mật của Nga và phải cách ly đến khi nó phát huy tác dụng. Một giả thuyết khác là Trump cố tình nhiễm nCoV nhằm phân tán sự chú ý của công chúng với bài báo tố ông trốn thuế của NY Times.
Theo bình luận viên Kevin Roose của NY Times, những giả thuyết này chỉ là tưởng tượng, nhưng lại được chia sẻ hàng nghìn lượt trên mạng xã hội. Zignal Labs, công ty chuyên theo dõi thông tin sai lệch trên mạng, cho biết thuyết âm mưu Trump giả bệnh đã được đề cập hơn 85.000 lần trên mạng xã hội. Hashtag #TrumpCovidHoax (Trump lừa bịp về Covid) trở thành xu hướng trên Twitter tại Mỹ và được đề cập hơn 75.000 lần.
Việc Tổng thống Trump, người luôn tự tin về sức khỏe của mình, nhiễm nCoV được cho là "nền tảng hoàn hảo" để xây dựng thuyết âm mưu. Bình luận viên Roose chỉ ra rằng các tổng thống Mỹ thường che giấu vấn đề sức khỏe của họ, kích thích sự tò mò của công chúng. Loạt thông tin mâu thuẫn, gây bối rối từ Trump và đội ngũ y tế của ông dường như càng khiến phát ngôn chính thức của họ trở nên thiếu tin cậy, dẫn tới nhiều giả thuyết.
"Những người theo thuyết âm mưu yêu thích lỗ hổng trong các câu chuyện. Nếu không nhận được câu trả lời, họ sẽ nghĩ ra đáp án của riêng mình", Kathryn Olmsted, giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử các thuyết âm mưu tại Đại học California, Mỹ, cho biết.
Mặc dù vậy, Roose nhấn mạnh điểm đáng chú ý ở đây là niềm tin của những người vạch ra thuyết âm mưu đang xâm nhập vào tâm lý người dân Mỹ một cách vô cùng dễ dàng, đến mức phát ngôn chính thức trở thành lời nói dối.
Sau khi Trump thông báo nhiễm nCoV tuần trước, các "thám tử mạng" đua nhau mổ xẻ mọi tuyên bố, bài đăng và hình ảnh có thể dẫn tới những manh mối về tình trạng sức khỏe thực sự của Tổng thống. Một số người thắc mắc "vật giấu trong áo Trump là bình oxy phải không?", hoặc "có phải video đã bị chỉnh sửa để xóa đoạn ông ấy ho hay không?".
Không thỏa mãn với lời giải thích từ các bác sĩ của Trump, người dùng mạng xã hội tìm đến những nguồn tin riêng, như tài khoản TikTok của Claudia Conway, con gái 15 tuổi của cựu cố vấn cấp cao Nhà Trắng Kellyanne Conway, người cũng nhiễm nCoV sau khi dự buổi lễ đề cử thẩm phán Tòa Tối cao tại Nhà Trắng hôm 26/9.
Sau khi Trump rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, bang Maryland, hôm 5/10, người dùng mạng xã hội lại miệt mài nghiên cứu video Tổng thống trở về Nhà Trắng, cố gắng tìm bằng chứng cho thấy tình trạng sức khỏe của ông vẫn tồi tệ.
Các thuyết âm mưu cũng được phát tán từ phía những người ủng hộ Trump. Đáng chú ý nhất là QAnon, nhóm cực hữu lan truyền giả thuyết thế giới bị kiểm soát bởi một phe phái gồm những kẻ ấu dâm tôn thờ quỷ Satan, do các đảng viên Dân chủ hàng đầu dẫn dắt. QAnon tổ chức những chiến dịch gây rối quy mô lớn, lan truyền thông tin sai lệch và đe dọa dùng bạo lực với đối thủ.
Công chúng giờ đây đều bị các thuyết âm mưu "gây nghiện", bất kể quan điểm chính trị. Hầu như không ai chịu dừng ở việc chỉ đơn giản là xem video Tổng thống Trump xuất hiện trước công chúng trên ban công Nhà Trắng.
Trong khi các đảng viên Dân chủ đưa ra thuyết âm mưu về những bệnh tật bí mật mà Trump đang che giấu, phe Cộng hòa cố suy đoán thông điệp Tổng thống muốn gửi đến các đối thủ chính trị của ông. "Mọi người đều đang thực hiện nghiên cứu của riêng họ, xem xét hậu trường để tìm câu chuyện thực sự", Roose nhận định.
Roose cho rằng bối cảnh hiện nay phần nào đó xuất phát từ sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, vốn ưu tiên những thông tin giật gân, hấp dẫn, thay vì các tuyên bố khô khan và cẩn trọng.
Trong cuốn sách "Sự nổi dậy của Công chúng", tác giả Martin Gurri, một nhà lý luận truyền thông, viết rằng mạng xã hội, rộng hơn là internet, đã làm xói mòn thẩm quyền của những người định hình truyền thông đại chúng lâu nay, như giới báo chí. Thay vào đó, "các cộng đồng thiết yếu", bao gồm những người dùng mạng đoàn kết vì lợi ích chung, được hình thành. Những nhóm này phát triển thẩm quyền của riêng họ.
Ví dụ, đối với một bộ phận, các bác sĩ điều trị cho Trump là những người có tiếng nói về sức khỏe Tổng thống. Tuy nhiên, với nhóm người khác, thông tin trên tài khoản TikTok của một thiếu nữ, hoặc kênh Youtube của một tín đồ QAnon, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Gurri tỏ ra không bất ngờ với việc công chúng bị hướng theo những thuyết âm mưu về sức khỏe của Trump. Ông giải thích rằng sự mơ hồ luôn tạo ra ngờ vực, và trong kỷ nguyên mạng xã hội, quyền lực thuộc về những người có thể truyền đạt thông điệp của họ một cách hiệu quả, ngay cả khi thông điệp đó sai lệch hoặc gây hiểu lầm.
"Mức độ phổ biến quyết định sự xác nhận đối với thông tin. Nếu đủ khả năng tạo ra thứ gì đó lan truyền trên mạng, bạn sẽ ngang cơ với bất cứ chuyên gia nào trên thế giới", Gurri, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho hay.
Gurri hoài nghi về khả năng công chúng quay lại chấp nhận những điều mà giới tinh hoa công bố, bởi nguồn thông tin giờ đây vô cùng phong phú, được lan truyền qua rất nhiều kênh, giúp mọi người tìm được câu trả lời thỏa mãn họ đối với bất kỳ thắc mắc nào, dù là sức khỏe của tổng thống hay một hội nhóm thờ quỷ Satan, sản phẩm của trí tưởng tượng.
Bình luận viên Roose vốn không nghĩ rằng nguồn tin chính thống là "di tích" của một thời đã qua, đồng thời cảnh báo không nên để mạng xã hội truyền bá những thứ bịa đặt. Tuy nhiên, sau khi lướt mạng xã hội vài ngày gần đây, Roose tự hỏi có đúng là internet đã biến tất cả thành người theo thuyết âm mưu hay không.
"Trump không phải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đây là một thứ mang tính cấu trúc. Ngay cả khi Trump thất cử vào tháng 11, các thuyết âm mưu vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện", Gurri nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)