Bằng cách chỉ trích Bắc Kinh thất bại trong việc kiểm soát dịch, giới chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực khắc họa Covid-19 như một minh chứng rõ ràng về mối đe dọa của Bắc Kinh đối với chính người dân Trung Quốc và cả thế giới.
Trong bài phát biểu sáng 4/5 bằng tiếng Trung, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matthew Pottinger cảnh báo Bắc Kinh rằng nỗ lực đàn áp chỉ trích nội bộ chắc chắn thất bại.
"Khi một hành động dũng cảm nhỏ bị chính quyền dập tắt, những hành động lớn sẽ xuất hiện", Pottinger nói trong bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Đại học Virginia, để kỷ niệm phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc năm 1919, cuộc nổi dậy của sinh viên theo chủ nghĩa dân túy trong Thế chiến I.
Pottinger nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi lắng nghe tiếng nói của dân thường. Ông cho rằng tương lai của quốc gia này cuối cùng sẽ phụ thuộc vào người dân.
"Một xã hội hùng mạnh không nên chỉ có một tiếng nói", Pottinger nói và thêm rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một xã hội thiên về chủ nghĩa dân túy hơn là dân tộc chủ nghĩa.
"Đối với tôi, đây là bài phát biểu đáng chú ý nhất từng nghe từ một quan chức của chính quyền Trump", Bonnie Glaser, giám đốc dự án nghiên cứu về quyền lực Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), thủ đô Washington, Mỹ, nói.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy vai trò lãnh đạo của họ bị thách thức trực tiếp từ đại dịch Covid-19 và làn sóng phản đối do Mỹ dẫn đầu.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), được Bộ An ninh Nhà nước gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng trước, kết luận quốc gia này đang đối mặt với làn sóng thù địch toàn cầu lớn nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Reuters ngày 4/5 đưa tin. Báo cáo cũng cho rằng Bắc Kinh cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là đối đầu vũ trang với Mỹ.
CICIR là một trong những viện nghiên cứu dân sự lớn, lâu đời và có sức ảnh hưởng nhất trong các cơ quan nghiên cứu quốc tế ở Trung Quốc và có liên kết với Bộ An ninh Nhà nước, cơ quan tình báo hàng đầu Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có thông tin liên quan tới báo cáo, trong khi CICIR từ chối bình luận.
Quan hệ Mỹ - Trung được cho là đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với sự hoài nghi và mâu thuẫn sâu sắc. Julian Borger, biên tập viên tờ Guardian, cho rằng hiện có hai "điểm nóng" có thể trở thành nơi đối đầu của hai quốc gia. Một là ở Biển Đông, nơi hải quân Mỹ thực thi tự do hàng hải và điều tàu khu trục tới đây hồi cuối tháng 4, để thách thức các yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực này.
Khi đại dịch ở giai đoạn đỉnh điểm, Trung Quốc cũng trở nên quyết liệt hơn trong việc thử thách hệ thống phòng thủ trên biển và trên không của Đài Loan. Mỹ duy trì chính sách "mơ hồ chiến lược" về Đài Loan, nhưng chính quyền Trump đang chịu nhiều áp lực cả bên trong và bên ngoài để có lập trường cứng rắn hơn.
Cả Washington và Bắc Kinh đều thận trọng không đẩy chính sách "bên miệng hố chiến tranh" về quân sự đi quá xa. Thiện cảm mà Tổng thống Trump dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình là một đối trọng với những người phản đối Trung Quốc trong chính quyền của ông, như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Pottinger, cựu nhà báo Mỹ ở Bắc Kinh. Hai người này đã thúc đẩy quan chức Mỹ sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán".
Nhưng khi Trump ngày càng tiến gần tới cuộc bầu cử tổng thống giữa lúc vấp phải nhiều chỉ trích về phản ứng chậm chạp và hỗn loạn trước Covid-19, sự đối trọng đó suy yếu dần.
Ngoại trưởng Pompeo đã đứng đầu cáo buộc chống lại Trung Quốc khi đăng bài trên Twitter hôm 3/5, tuyên bố rằng "Trung Quốc có lịch sử làm lây bệnh cho thế giới và họ vận hành những phòng thí nghiệm không đạt chuẩn". Pompeo tuyên bố có "bằng chứng rất lớn" nCoV bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ông không nêu rõ về bằng chứng này, trong khi nhiều chuyên gia đều cho rằng Covid-19 rất có thể truyền từ động vật sang người.
Một số nghi ngờ rằng Bắc Kinh đã cố "bịt miệng" những người cảnh báo sớm về mối nguy hiểm của dịch khởi phát từ Vũ Hán và phản ứng chậm trễ của Bắc Kinh đã khiến thế giới đánh mất cơ hội kiểm soát dịch. Việc Trung Quốc từ chối chia sẻ các mẫu bệnh phẩm và hợp tác với các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) càng làm "xói mòn" niềm tin của thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc bị nghi che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19 để có thời gian tích trữ vật tư y tế, theo báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Trước khi chia sẻ thông tin chi tiết về Covid-19 với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu và giảm xuất khẩu vật tư y tế. Chỉ trong tháng 1, Trung Quốc tăng nhập khẩu khẩu trang y tế lên tới 278%, áo choàng phẫu thuật 72% và găng tay lên 32%.
Theo biên tập viên Borger, dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận cáo buộc giấu dịch, những báo cáo như trên có thể gia tăng làn sóng thù địch với Trung Quốc trên khắp thế giới.
Chiến dịch chống Trung Quốc của chính quyền Trump trong những tháng tới sẽ diễn ra ở cả hai lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, theo Borger. Tổng thống Mỹ cho biết đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh, như kiện Trung Quốc hoặc hủy một số khoản nợ với Trung Quốc như một cách đền bù.
Trong khi đó, giới chức Mỹ đang lập kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất và cung ứng của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc, chuyển tới các quốc gia có mối quan hệ thân thiện hơn thuộc "mạng lưới thịnh vượng kinh tế", giống như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP) mà Trump từng rút khỏi hồi đầu nhiệm kỳ.
Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ đang đẩy mạnh nâng vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế, bắt đầu với chiến dịch để chính quyền Đài Loan được mời tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) cuối tháng này. Đây được xem là động thái thách thức với chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
"Washington ngày càng nhận thức được rằng chính quyền Bắc Kinh không mang lại lợi ích cho Mỹ và nhiều cuộc tranh luận nổ ra về việc Mỹ nên làm gì", Isaac Stone Fish, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu về Quan hệ Mỹ - Trung thuộc tổ chức phi lợi nhuận Asia Society ở Mỹ, nói.
Bà Glaser cho rằng có rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào cách Chủ tịch Tập Cận Bình xem thách thức này nghiêm trọng như thế nào và cách phản ứng của ông. Bà nói có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chủ nghĩa dân tộc quân phiệt tập trung vào việc giành lại Đài Loan. Nhưng Stone Fish tranh luận rằng tính toán này có thể thay đổi khi áp lực gia tăng.
"Nếu ông Tập Cận Bình hoặc thành viên khác của chính phủ cảm thấy họ đang đối mặt với đe dọa về quyền lực lãnh đạo trong nước, leo thang chiến tranh với Đài Loan có thể là một chiến lược hợp lý đối với họ, theo cách có thể dẫn tới nhiều tác động khủng khiếp đối với toàn cầu", Stone Fish nhận định.
Thanh Tâm (Theo Guardian, SCMP, Reuters)