Theo thông tin được thủy thủ đoàn trên tàu Hoa Sen chuyển gửi VnExpress.net qua email, con tàu tai tiếng này, cùng với một tàu khác của Vinalines là Sea Eagles đang neo tại cảng thuộc thẩm quyền của Nhà máy sửa chữa tàu Xinya, thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Trong vòng 2 tháng trở lại đây, tàu không được cấp nhiên liệu và hoàn toàn tối tăm khi đêm xuống. “Điều này hết sức nguy hiểm cho tính mạng thuyền viên vì tàu neo ngay gần luồng, nơi có rất nhiều tàu bè ra vào, trong khi lại không có điện thắp sáng”, thủy thủ đoàn cho biết.
Nhiều thủy thủ đang phải sống thiếu thốn trên con tàu tưởng như rất hiện đại. Ảnh: Mỹ Giang. |
Cùng với những nguy hiểm do thiếu nhiên liệu, đời sống của thủy thủ cũng được phản ánh là hết sức khó khăn, đặc biệt là việc thiếu lương thực - thực phẩm. Thủy thủ đoàn cho biết đã hơn một tháng trở lại đây không nhận được tiền ăn từ phía chủ tàu (Công ty Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) và khó có thể trụ đến hết tháng 10 do không còn ai trên tàu còn tiền. “Có thời gian, toàn bộ thuyền viên phải đi hái rau má trên núi về ăn, phải tự làm lồng bắt cua, bắt cá…”, các thủy thủ cho biết.
Nước ngọt cũng là một vấn đề nghiêm trọng khi thuyền viên cho biết trước đây thường phải bỏ tiền túi ra mua. Tuy nhiên, trong khoảng một tuần gần đây, họ chỉ còn lại một số nước khoảng 30 lít, “dùng để đánh răng, rửa mặt chứ không có nước tắm”.
Một vấn đề khác theo phản ánh của thủy thủ là tính đến cuối tháng 10/2012, họ đã làm việc trên tàu tổng cộng 13 tháng, nhưng đã bị nợ hơn 11 tháng tiền lương. “Chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ được công ty giao, lại là lao động chính trong gia đình. Bị nợ lương như vậy thì gia đình tôi sẽ ra sao?”, đại diện thủy thủ viết. Ngoài ra, họ cũng cho biết mong mỏi lớn nhất hiện nay là được công ty trả hộ chiếu và được cơ quan chức năng cấp phép cho về nước.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) cho biết, tình trạng khó khăn của các thủy thủ tàu Hoa Sen cũng như một số tàu khác đang quản lý đã được phía chủ tàu ghi nhận.
“Chúng tôi là doanh nghiệp Nhà nước nên sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tài sản cũng như tính mạng thuyền viên. Tuy nhiên, do việc kinh doanh hiện rất khó nên những vấn đề này chưa thể giải quyết ngay”, lãnh đạo này cho biết.
Riêng vấn đề nợ lương thủy thủ, đại diện doanh nghiệp thừa nhận có những người bị nợ lương đến 11 tháng, “nhưng số này không nhiều”. Do một đơn vị trước thuộc Vinashin, nay chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) quản lý nên nguồn tiền trả lương thủy thủ chính thức, Vinashinlines vẫn đang được hỗ trợ từ số tiền vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), theo quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên, do trong thủy thủ đoàn có những người thuộc diện “thuê ngoài” từ Trung tâm Thuyền viên, không đóng bảo hiểm trực tiếp từ công ty nên không thuộc diện được VDB giải ngân: “Đây chính là những người bị nợ lương nhiều tháng, không phải liên tục mà mỗi năm một vài tháng, cộng dồn từ 2008 đến giờ”, ông này giải thích.
Đối với các trường hợp còn lại, lãnh đạo này cho biết, số nợ lương không nhiều và là tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải biển. “Như năm ngoái chúng tôi cũng đã cố gắng trả đủ lương cho thủy thủ, năm nay cũng đã trả được một vài tháng”, ông này nói thêm.
Riêng về tiền ăn, lãnh đạo Vinashinlines khẳng định doanh nghiệp luôn có trách nhiệm và vừa chuyển cho tàu tuần trước, “nhưng việc chuyển tiền có thể bị trễ vài ba ngày”. Cũng theo ông này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc đưa tàu về nước. “Đây là bài toán đang được công ty, tổng công ty và cơ quan quản lý tính toán. Chúng tôi cũng biết rằng các thủy thủ xa nhà lâu ngày nên rất sốt ruột”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Tàu Hoa Sen cũng được xem là một trong những điểm tốt nhất trong hoạt động của Vinashin dưới sự điều hành của cựu Chủ tịch Phạm Thanh Bình. Việc cố ý làm trái trong quá trình mua bán và vận hành tàu Hoa Sen là nội dung quan trọng của cáo trạng được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra đối với ông Bình và các bị can khác trong vụ xét xử sai phạm tại Vinashin.
Con tàu có số phận long đong này, cùng với doanh nghiệp chủ quản là Vinashinlines được chuyển giao từ Vinashin sang Vinalines kể từ tháng 7/2010. Sau một thời gian sửa chữa, tìm kiếm đối tác cho thuê và thanh toán hơn nửa tỷ đồng tiền nợ phí hàng hải, đến đầu năm 2011, tàu được cho đối tác nước ngoài thuê định hạn tàu trong 6 tháng (giá 16.500 USD một ngày).
Tuy vậy, không lâu sau khi đó, tàu tiếp tục gặp rắc rối khi bị bắt giữ tại Hàn Quốc để làm tài sản đảm bảo giải quyết một vụ tranh chấp hàng hải khác của Vinalines. Tổng công ty này sau đó phải trả số tiền gần 4,3 triệu USD để chuộc tàu. Sau vụ kiện, đối tác thuê đành “bỏ của chạy lấy người” khiến tàu Hoa Sen tiếp tục rơi vào tình trạng nằm không cảng Trung Quốc từ giữa năm 2011 đến nay.
Hoa Sen là loại tàu ro-pax (tàu chở xe và hành khách) trọng tải 7.550 DWT, cao 7 tầng và có sức chứa 500 ôtô 4 chỗ, 70 xe tải, 160 xe container 40 feet cùng gần 640 hành khách. Tàu được đóng năm 2001 và được Vinashin mua lại từ Italy vào cuối năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng tính theo tỷ giá lúc đó) nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch trên tuyến Bắc - Nam. Tuy vậy, chỉ sau 40 lần hải hành với trục trặc, Vinashin đã phải cho dừng hoạt động con tàu từ đầu năm 2009 do thua lỗ, kém hiệu quả.
Sau khi được chuyển giao cho Vinalines, tình hình khai thác tàu vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn, một phần do tình hình hình vận tải biển thế giới ảm đạm. Thủy thủ đoàn, do vậy cũng tương tự như một số trường hợp đã được phản ánh ở các tàu Diamond Way, Sea Eagles, Thái Sơn 18… đang rơi vào tình trạng khó khăn khi tàu phải nằm không, thiếu nhiên liệu, nước uống, thực phẩm và bị nợ lương…
Nhật Minh