Sau khi thông tin về 17 thuyền viên trên tàu Thái Sơn 18 được VnExpress.net chuyển tới Bộ Ngoại giao, đại diện cơ quan này cho biết Sứ quán Việt Nam tại Philippines đã cử cán bộ liên lạc với các thủy thủ đoàn đang bị kẹt tại cảng Davao. Cơ quan ngoại giao Việt Nam đã lắng nghe hoàn cảnh, nguyện vọng của các thủy thủ và cam kết đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu của thuyền viên.
Các thuyền viên tàu Thái Sơn 18 cho biết đã hết nhiên liệu, thuốc men và cạn kiệt tiền, phải kiếm củi về nấu cơm. Mọi người chỉ dành dụm được chút tiền còn lại mua thẻ nạp USB 3G để truy cập Internet, nắm tình hình ở nhà.. Ảnh do thuyền viên cung cấp |
“Sẽ không có chuyện các thủy thủ trên tàu bị bỏ rơi. Sứ quán sẽ giúp đỡ để tình trạng của các thuyền viên không xấu đi”, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết. Tuy vậy, cũng giống như cơ quan quản lý hàng hải, đại diện này khẳng định trách nhiệm chính trong vụ việc này cũng như các trường hợp tương tự phải thuộc về chủ tàu.
Thông tin về việc tiếp xúc với đại diện ngoại giao cũng được đại diện thủy thủ đoàn, anh Nguyễn Thanh Tùng xác nhận trong e-mail mới nhất gửi về cho VnExpress.net. “Sứ quán có gọi điện hỏi thăm và nói sẽ cung cấp thực phẩm cho thuyền viên trong thời gian sớm nhất”, đại diện thủy thủ đoàn cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến các thuyền viên thất vọng nhất là tính đến ngày 12/10, họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ phía chủ tàu - Công ty Nghĩa Thái Sơn. “Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy tài khoản e-mail (Gmail) của giám đốc hoạt động, nhưng khi nhắn tin thì không nhận được hồi âm gì. Thật sự chúng tôi rất bức xúc với thái độ của họ”, đại diện thủy thủ viết.
Trong khi không liên lạc gì với thủy thủ đoàn, thì theo Cục phó Cục Hàng hải – Đỗ Đức Tiến, trong ngày 12/10, ông có nhận được điện thoại từ Giám đốc Công ty Nghĩa Thái Sơn với nội dung chính là giải thích về sự việc nêu trên.
“Họ nói đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình hình không nghiêm trọng như những gì thủy thủ đoàn trình bày”, ông Tiến kể lại.
Cũng theo Cục phó Cục Hàng hải, sau cuộc điện thoại, chủ tàu có hứa gửi công văn báo cáo cụ thể vụ việc và hướng giải quyết tới cơ quan quản lý qua đường fax. Tuy nhiên, hết ngày làm việc cuối tuần (12/10), ông Tiến cho biết vẫn chưa được cầm trên tay văn bản này.
Trong lúc vụ việc của 2 tàu Diamond Way và Thái Sơn 18 vẫn chưa được giải quyết triệt để thì ngày 13/10, VnExpress.net lại tiếp tục nhận được phản ánh qua đường e-mail của thủy thủ đoàn trên 2 con tàu Sea Eagle (IMO: 8022456) và Hoa Sen (IMO : 9243447) hiện neo đậu tại Trung Quốc. Theo tìm hiểu, cả 2 con tàu này đều thuộc biên chế của Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines, nay thuộc Vinalines), tương tự tàu Diamond Way.
Theo thông tin từ phía thủy thủ, hiện họ bị nợ 10 tháng tiền lương, chậm 2 tháng tiền ăn, không cấp nhiên liệu từ 2 tháng nay và đang phải bỏ tiền túi mua nước ngọt. “Có tháng toàn bộ thuyền viên phải đi khái rau má trên núi về ăn, phải tự làm lồng bắt cua, bắt cá ...”, đại diện thủy thủ đoàn cho hay.
“Toàn bộ thuyền viên trên tàu đã yêu cầu công ty trả hộ chiếu để thuyền viên có thể tự về nước nhờ vào tiền của gia đình gửi sang, nhưng công ty không trả”, email này viết thêm.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó cục trưởng Cục Hàng hải – Đỗ Đức Tiến, trong điều kiện kinh tế và vận tải biển gặp nhiều khó khăn, những vụ việc tương tự như trên ngày một xảy ra nhiều. Ông nhấn mạnh do đặc thù của ngành hàng hàng hải, việc nợ lương thuyền viên 1 – 3 tháng không phải hiếm. Tuy nhiên, việc bỏ rơi thuyền viên của chủ tàu là khó có thể chấp nhận.
“Chúng tôi luôn động viên các chủ tàu tìm giải pháp phù hợp để tháo gỡ công nợ với ngân hàng, đồng thời có kế hoạch giúp đỡ thuyền viên, bởi chính họ là những người nắm trong tay tài sản lớn của chủ tàu. Nếu họ không an lòng thì chủ tàu cũng khó có thể yên tâm”, ông cho biết.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, thuyền viên tàu Thái Sơn 18 cho biết 17 thành viên trong đoàn tới nhận tàu ở Davao - Philippines từ tháng 5. Trước họ, đã có một thủy thủ đoàn cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự và đã được hồi hương về nước. Tình trạng của tàu hiện rất khó khăn, số dầu và thực phẩm được Hiệp hội Lao động Vận tải Quốc tế (ITF) cứu trợ được dùng tằn tiện. Hiện họ chỉ chạy máy phát điện theo giờ để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu và bảo quản thức ăn. "Hiện tại chúng tôi vẫn liên lạc với gia đình bằng điện thoại, nhưng chỉ do người nhà gọi sang. Số tiền ít ỏi còn lại chúng tôi dành mua thẻ smart để vào mạng qua thiết bị 3G mang theo nhằm cập nhật thông tin mới nhất từ nhà và công ty", anh Tùng cho biết. Trong số 17 thuyền viên, phần lớn đều chưa đầy 30 tuổi, người trẻ nhất sinh năm 1990, người lớn tuổi nhất năm nay 57 tuổi. |
Nhật Minh