Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) hôm qua cho biết đã nhận được hai đề xuất từ Berlin về chuyển giao các loại đạn do Thụy Sĩ sản xuất mà Đức đã nhận được cho Ukraine, gồm đạn pháo 35 mm dùng trên hệ thống phòng không Gepard và đạn súng máy 12,7 mm.
"Cả hai đề xuất đều bị bác bỏ vì trạng thái trung lập và các quy định bắt buộc trong luật quản lý khí tài quân sự của Thụy Sĩ", SECO cho hay.
Đây là lần thứ hai Thụy Sĩ ngăn Đức xuất khẩu đạn pháo cho Ukraine. SECO hôm 25/4 cũng bác đề xuất của Đức nhằm chuyển giao đạn pháo dùng trên xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Hệ thống phòng không Gepard và xe thiết giáp Marder được Đức chế tạo, nhưng sử dụng đạn pháo 35 và 20 mm do Thụy Sĩ sản xuất.
Thụy Sĩ đã thực thi những lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng khẳng định trạng thái trung lập của nước này không cho phép cung cấp vũ khí đến những khu vực xung đột. Thụy Sĩ thường yêu cầu các quốc gia mua khí tài quân sự bảo đảm không tự ý tái xuất chúng đến nước khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm qua thông báo sẽ giao hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Berlin. Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Truyền thông Thụy Sĩ cho biết hiện chưa rõ Đức gửi loại đạn nào tới Ukraine kèm với hệ thống Gepard.
Pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển trong thập niên 1960 và biên chế từ những năm 1970. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.
Vũ Anh (Theo Reuters)