Cuộc điện đàm trong 1,5 giờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 12/2 đã tạo ra cơn địa chấn ở Ukraine và cả châu Âu, mặc dù điều này đã được dự đoán trước một phần.
Chỉ bằng một cuộc gọi, ông Trump đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Nga cũng như vai trò của Ukraine trong cuộc xung đột.
Cuộc điện đàm đã chấm dứt nỗ lực cô lập Nga suốt ba năm qua của Mỹ, khi Tổng thống Trump mời ông Putin tới thăm và thậm chí hy vọng sẽ có mối quan hệ hữu nghị với Nga. Việc hai lãnh đạo nhất trí với nhau "đàm phán ngay lập tức" để chấm dứt xung đột cũng kết thúc lập trường được Mỹ duy trì trong thời gian qua là chỉ có Ukraine mới có quyền định đoạt thời điểm và cách thức đàm phán với Nga.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn tại Kiev hôm 1/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/the-ap-interview-zelenskyy-407-3667-6271-1739508506.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1QiCPKQfahzUotQ3FR3UBg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn tại Kiev hôm 1/2. Ảnh: AP
Cuộc điện đàm đã được Nga đón nhận với niềm hân hoan. Ngay từ trước khi xung đột nổ ra, mục tiêu chính của Tổng thống Putin luôn là đàm phán trực tiếp với Mỹ và bỏ qua Ukraine. Bây giờ, ông đang trên đường đạt được mục tiêu đó.
Tại Ukraine, bầu không khí lo lắng đang bao trùm về việc Tổng thống Trump có vẻ quan tâm nhiều hơn tới mối quan hệ với Moskva hơn là Kiev.
Giới chức Nga cũng đang phát tín hiệu rằng sẽ không ngừng chiến sự trừ khi đạt được điều họ muốn trong bất cứ cuộc đàm phán nào.
"Tổng thống Putin đã chuẩn bị đầy đủ nếu các cuộc đàm phán thất bại", Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Nga và Á-Âu, viết trên X. "Ông ấy sẽ tiếp tục xoa dịu ông Trump, đưa ra những nhượng bộ mà ông Trump sẽ mô tả là thành công lớn và một thỏa thuận tuyệt vời. Nhưng những nhượng bộ này, như lệnh ngừng bắn tạm thời, sẽ không ngăn được Nga thực hiện mục tiêu cuối cùng của mình".
Mục tiêu đó là tạo ra một Ukraine "phi quân sự hóa", rời xa ảnh hưởng của phương Tây và quay lại quỹ đạo của Nga cả về quân sự lẫn chính trị, Stanovaya nhận định.
Nga từ lâu đã nêu ra mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" Ukraine và ngăn nước này gia nhập NATO như các mục tiêu cốt lõi của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Sau cuộc gọi với ông Putin, Nhà Trắng cho biết ông Trump đã liên lạc với ông Zelensky. Phát biểu với báo giới vào sáng hôm sau, lãnh đạo Ukraine thừa nhận việc Tổng thống Mỹ gọi cho người đồng cấp Nga trước khiến ông cảm thấy "không mấy dễ chịu".
Điều khiến Tổng thống Zelensky không hài lòng có lẽ là việc Tổng thống Trump dường như chỉ coi ông như một "kép phụ" cho bất kỳ tiến trình đàm phán hòa bình nào, bình luận viên kỳ cựu Jeremy Bowen từ BBC nhận xét.
"Một trong nhiều cơn ác mộng của ông Zelensky chắc chắn là viễn cảnh ông Trump và ông Putin dàn xếp với nhau về tương lai Ukraine mà không có bất kỳ ai khác tham gia đàm phán, kể cả Kiev", Bowen nói.
Adam Szlapka, Bộ trưởng châu Âu của Ba Lan, thậm chí còn so sánh cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin "giống như cuộc mặc cả giữa những nước lớn vào thế kỷ 19, khi họ tự thỏa thuận các điều khoản với nhau và buộc phần còn lại của thế giới tuân theo".
Tổng thống Zelensky lâu nay vẫn nỗ lực thúc đẩy để Ukraine có tư cách thành viên NATO đồng thời nhận được các đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 12/2 tuyên bố tại Brussels rằng việc Ukraine khôi phục đường biên giới trước năm 2014 là "ảo tưởng" và tư cách thành viên NATO của nước này không nên được đưa ra thảo luận, đồng thời quân đội Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận đảm bảo an ninh nào cho Kiev.
Một ngày sau, Tổng thống Trump tái khẳng định lập trường trên khi nói rằng ông "không thấy bất kỳ cách nào mà một quốc gia ở vị trí của Nga có thể cho phép Ukraine gia nhập NATO". "Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra", ông nói.
Theo giới quan sát, tuyên bố từ Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã làm suy yếu lập trường của Ukraine tại bàn đàm phán khi nêu ra những gì Kiev phải từ bỏ, nhưng không làm rõ những gì Moskva có thể phải nhượng bộ.
Khi được hỏi về những nhượng bộ Nga có thể đưa ra trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 13/2, Tổng thống Trump từ chối đi vào chi tiết. "Có thể Nga sẽ từ bỏ nhiều, có thể không", ông nói. "Cuộc đàm phán thực sự vẫn chưa bắt đầu".
Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) Neil Melvin nhận định tình hình có vẻ khá thuận lợi cho Nga, khi "họ bước vào các cuộc đàm phán tiềm tàng với vị thế mạnh mẽ", trong khi vị thế của Ukraine bị đẩy lùi xuống thứ yếu.
"Một số yêu cầu mà Nga đưa ra đã được công nhận, như Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO", ông nói thêm.
Một cựu quan chức cấp cao Ukraine cho hay ông không hiểu tại sao Tổng thống Trump lại từ bỏ hai điểm đàm phán tối quan trọng là tư cách thành viên NATO và lãnh thổ Ukraine ngay cả khi các cuộc thảo luận hòa bình chưa diễn ra.
"Nếu bạn là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, như ông Trump, bạn sẽ không làm như vậy, đúng không?", quan chức này nói. "Trừ khi bạn không thực sự còn quan tâm, bạn chỉ muốn từ bỏ mọi thứ để đổi lấy một nền hòa bình tạm bợ, chắp vá, không thể duy trì trong vòng 10 phút".
Mykola Bilieskov, nhà phân tích chính trị Ukraine tại một nhóm nghiên cứu có liên hệ với Văn phòng Tổng thống, cho biết ông thấy "sợ hãi" khi nhóm của Tổng thống Trump dường như đang cố gắng "làm mọi thứ để giải quyết vấn đề với cái giá phải trả là chính Ukraine, an ninh, phúc lợi và mọi thứ khác".
Dù vậy, một số người khác vẫn bày tỏ lạc quan thận trọng rằng quá trình chỉ mới bắt đầu và vẫn còn chỗ cho Ukraine tham gia.
"Ông Trump phải gọi cho ai đó trước. Tình hình không mấy sáng sủa, nhưng tôi hy vọng lợi ích của Ukraine sẽ được tôn trọng", nghị sĩ Ukraine Victoria Gryb nói, thêm rằng còn quá sớm để đánh giá kết quả tiềm năng của bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Song một nghị sĩ Ukraine giấu tên cho biết quốc hội nước này hiện lo ngại về việc Tổng thống Trump sẵn sàng từ bỏ các quân bài mặc cả tiềm năng mà "không nhận lại bất cứ thứ gì".
![Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự một cuộc họp tại Helsinki, Phần Lan, tháng 7/2018. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/1111-1739508402-7204-1739508506.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=873Gs1yNng87PsW-BxC7-Q)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự một cuộc họp tại Helsinki, Phần Lan, tháng 7/2018. Ảnh: AFP
"Chúng tôi tin Tổng thống Trump sẽ rất dễ dàng từ bỏ những thứ mà chúng ta có thể cùng nhau tận dụng trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga", ông nói.
Ở tuyến đầu, nỗi sợ hãi tương tự cũng đang lan tỏa đến những người lính đã chiến đấu nhiều năm qua bảo vệ lãnh thổ Ukraine.
Một chỉ huy đại đội chiến đấu gần thành phố miền đông Pokrovsk bị bao vây cho hay số phận Ukraine không thể phụ thuộc vào tầm nhìn của Tổng thống Trump về tương lai nước này.
"Cho dù Mỹ và ông Trump có giúp chúng tôi hay không, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chiến đấu", ông nói. "Bởi vì đối với chúng tôi, đây là vấn đề sống còn".
Vũ Hoàng (Theo BBC, Euronews, NBC News, Washington Post)