Cam kết chuyển giao hệ thống pháo phòng không Gepard cho Ukraine được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân Ramstein ở Rhineland-Palatinate, phía tây nam nước này.
"Chúng tôi đã quyết định vào ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine các hệ thống phòng không. Đó chính là những gì Ukraine cần để bảo vệ không phận từ mặt đất", bà Lambrecht nói.
Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Các hệ thống Gepard đã bị loại biên dần trong quân đội Đức từ năm 2010.
Pháo phòng không Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển từ những năm 1960 và biên chế vào những năm 1970. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.
Đức ban đầu từ chối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine, chỉ đồng ý trợ giúp nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận này phù hợp với chính sách đã kéo dài hàng thập kỷ của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho các khu vực khủng hoảng.
Vài tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chính phủ mới tại Đức khi đó đã đồng ý đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh của mình.
Nhưng trước áp lực từ các đồng minh và công chúng, chính phủ Đức buộc phải thay đổi một số điều khoản. Hồi cuối tháng hai, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, dù lúc bấy giờ, ông kiên quyết chỉ gọi chúng là thiết bị "phòng thủ".
Ông Scholz cũng cho biết Đức sẽ đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Khoản đầu tư đầu tiên trong kế hoạch này được xác nhận hồi tháng trước khi Đức thông báo mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mới tuần trước còn nói rằng trong khi "các đối tác khác cung cấp pháo" cho Ukraine, thì Đức sẽ "giúp sức trong khâu đào tạo và bảo trì".
Bà Baerbock cho hay Đức không thể cung cấp thêm vũ khí vì họ hiện không còn vũ khí nào có thể "giao nhanh".
Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự nhằm "phi phát xít hóa" và "phi quân sự" Ukraine. Sau hai tháng giao tranh, Nga hiện dồn lực vào phía đông Ukraine với tuyên bố "giải phóng Donbass".
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đang tăng cường viện trợ vũ khí nhằm giúp Ukraine đối đầu với Nga trong xung đột.
Mỹ tuần trước công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, trong đó có pháo hạng nặng, lựu pháo và máy bay không người lái chiến thuật, nhằm giúp lực lượng Ukraine đối phó các cuộc tấn công của Nga ở miền đông. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng các nước đồng minh phải "vét sạch kho vũ khí", "tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine" vì cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài.
Vũ Hoàng (Theo CNN)