Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2011 Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD. Với con số này, công ty của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân được xếp thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011.
Bước sang năm 2012, lượng công nhân đến làm việc tại Công ty Phương Nam ngày một thưa dần. Ông Khuân đi Mỹ trị bệnh nên có lúc nhà máy hoạt động cầm chừng và dự án xây dựng nhà máy chế biến tôm và cá tra của công ty con là KM Phương Nam bị đình trệ trong giai đoạn sắp hoàn thiện.
Quyết định được cho là ông Khuân ký từ Hoa Kỳ rồi gửi về Việt Nam để bổ nhiệm ông Quế. Tuy nhiên, trên quyết định lại ghi là Sóc Trăng, ngày 01 tháng 9 năm 2012. Ảnh: Thiên Phước |
Câu chuyện nợ nần của Phương Nam và công ty con được biết đến rộng rãi từ cuối tuần qua, khi các chủ nợ và đối tác tụ họp tại trụ sở công ty bàn phương án tái cơ cấu, giao tài sản cho ngân hàng tiếp quản. Tại đây, KM Phương Nam thừa nhận đang nợ ngân hàng 170 tỷ đồng, nợ đối tác 30 tỷ đồng.
"Công ty mẹ nợ nhiều hơn nên hiện nay có đến 7 ngân hàng là chủ nợ đang bàn hướng bị tái cơ cấu Công ty Phương Nam. Trong đó có ngân hàng đồng ý khoanh nợ 3-5 năm, các ngân hàng khác góp vốn để trở thành cổ đông rồi bơm tiếp vốn để công ty hoạt động hiệu quả trở lại", đại diện công ty xác nhận tại buổi họp.
Trong khi đó, Chủ tịch Lâm Ngọc Khuân từ Mỹ viết thư về cáo bệnh và đồng ý giao tài sản cho ngân hàng xử lý.
Trò chuyện cùng VnExpress.net, ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết nơi đây giải ngân tiền vay cho cả Công ty Phương Nam và KM Phương Nam. Vì vậy, VDB Sóc Trăng cũng đang bàn thảo cùng các ngân hàng có liên quan về kế hoạch tái cấu trúc công ty của ông Khuân nhưng phương án khoanh, giản nợ hoặc lấy nợ vay đưa vào vốn góp đều chưa ngã ngũ.
“Chúng tôi cũng có bàn về các phương án tái cấu trúc Công ty Phương Nam nhưng chưa có quyết định cuối cùng. VDB sử dụng vốn Nhà nước để cho vay theo chủ trương của Chính phủ nên muốn quyết định điều gì phải có văn bản gửi Tổng Giám đốc VDB để xin ý kiến Chính phủ. Vì vậy, có thể hai tuần nữa chúng tôi mới trả lời chính thức về cách xử lý nợ tại Công ty Phương Nam”, Giám đốc Thắng cho biết thêm.
Ông Khuân rất quan tâm đến công tác xã hội nên ba năm trước Công ty Phương Nam bắt đầu tổ chức cho công nhân hiến máu nhân đạo để cứu người. Ảnh: Thiên Phước |
Theo ông Thắng, ông Khuân là người tâm huyết với ngành thủy sản và Công ty Phương Nam được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Vì vậy, nơi đây đã được VDB thẩm định, cho vay từ gói kích cầu của Chính phủ. Khi ông Khuân ngã bệnh (được cho là tiểu đường), mọi hoạt động của doanh nghiệp rơi vào khó khăn nên VDB Sóc Trăng thuê bảo vệ trông giữ nhà máy của KM Phương Nam tại Kế Sách (Sóc Trăng) vì ngân hàng đã cho vay đầu tư vào dự án khoảng 170 tỷ đồng.
Ngoài tài kinh doanh, ở Sóc Trăng ông Khuân còn được biết tới vì có biệt thự đẹp nhất nhì tỉnh này. Trong lần trò chuyện cùng phóng viên VnExpress.net trước khi bay sang Mỹ, ông Khuân tiết lộ rằng trang trí nội thất bên trong “tòa lâu đài” xây cạnh Công ty Phương Nam đều được mua từ nước ngoài. Theo chủ tịch Khuân, ông xây nhà to không phải để phô trương mà muốn vừa làm nơi ở kết hợp với tiếp khách là đối tác ngoại quốc mỗi lần sang Việt Nam làm việc, ký kết hợp đồng với Công ty Phương Nam.
“Mỗi lần khách Tây sang đây làm việc, chiều tối phải quay lên TP HCM tìm chỗ ở vì Sóc Trăng không có khách sạn hay nơi giải trí phù hợp. Tôi xây nhà bên trong như một khách sạn đạt chuẩn quốc tế, có cả quầy bar phục vụ khách Tây”, ông Khuân tiết lộ và giải thích về nguyên nhân xây cạnh công ty là để hàng đêm tiện việc tới lui kiểm tra quá trình vận hành, sản xuất của nhà máy thủy sản.
Thiên Phước