Ông Lâm Ngọc Khuân cho rằng tình hình sức khỏe chưa ổn định nên bác sĩ ở Mỹ chưa đồng ý cho về Việt Nam để trực tiếp thỏa thuận với 5 ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hai ngân hàng ngoài tỉnh Sóc Trăng cũng được ông Khuân gửi thư cáo bệnh là An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu và Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tại Hậu Giang.
Trụ sở và nhà xưởng của Công ty Phương Nam tại Sóc Trăng. Ảnh: Thiên Phước |
Theo Chủ tịch Khuân, ông rất muốn thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Phương Nam. Vì vậy, khi nhận được các văn bản từ Việt Nam chuyển sang, ông sẽ thực hiện đầy đủ thủ tục xác nhận chữ ký tại cơ quan ngoại giao để ủy quyền bàn giao tài sản cho 7 ngân hàng tham gia tái cấu trúc Công ty Phương Nam.
“Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, tôi về Việt Nam để góp sức cùng ngân hàng điều hành hoạt động của công ty, phát huy thế mạnh mà tôi có được là kinh nghiệm quản lý, đánh giá thị trường và đặc biệt là quan hệ với khách hàng. Tôi thành thật xin lỗi quý ngân hàng về việc không trực tiếp giải quyết công việc trong giai đoạn ‘nước sôi lửa bỏng’ hiện nay”, ông Khuân viết.
Trao đổi với VnExpress.net ngày 22/9, ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Agribank Sóc Trăng xác nhận chi nhánh này đang chủ trì việc tái cấu trúc Công ty Phương Nam. Tuy nhiên, ông Bửu không tiết lộ con số cụ thể về nợ nần tại công ty sắp được tái cơ cấu vì cho rằng "đây là vấn đề tế nhị".
Theo ông Bửu, tài sản bên trong khuôn viên Nhà máy chế biến thủy sản Phương Nam chủ yếu được thế chấp tại Agribank và LienVietPostBank. Hiện nay phía ngân hàng đang yêu cầu Công ty Phương Nam thống kê lại những khoản nợ bên ngoài nhà máy, nợ doanh nghiệp đối tác, thầu xây dựng... để có đầy đủ số liệu phục vụ cho đề án tái cấu trúc.
Về phần mình, Agribank dự kiến chuyển một phần vốn vay ngắn hạn (tối đa 6 tháng) sang trung hạn (5-7 năm) để phù hợp với giá trị tài sản đang thế chấp cho Agribank.
“LienVietPostBank dự kiến chuyển một phần nợ vay sang cổ phần (góp vốn) tại Công ty Phương Nam. VDB có hai phương án, đó là 50% nợ vay chuyển sang cổ phần, còn lại khoanh nợ 3 năm hoặc khoanh nợ 100% cho doanh nghiệp. Các ngân hàng còn lại, sau khi thanh lý tài sản ngoài khu vực nhà máy, Công ty Phương Nam còn nợ bao nhiêu sẽ chuyển thành vốn góp và chủ sở hữu cũ chỉ nắm giữ 5% cổ phần”, ông Bửu tiết lộ phương án dự kiến tái cơ cấu.
Cũng theo người đứng đầu Agribank chi nhánh Sóc Trăng, các chủ nợ của Công ty Phương Nam có thể an tâm về lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp vì chủ sở hữu mới sẽ nhận hết trách nhiệm trả những khoản nợ trước đây. Sau khi tái cơ cấu, Agribank cam kết bơm vốn cho vay Công ty Phương Nam để phục hồi sản xuất.
“Dự kiến đến hết tháng sau chúng tôi hoàn tất tái cấu trúc Công ty Phương Nam. Dù hoạt động cầm chừng nhưng 9 tháng đầu năm Công ty Phương Nam đã duy trì được trên 1.100 công nhân, doanh thu đạt 7 triệu USD”, ông Bửu cho biết thêm.
Phương Nam là doanh nghiệp quy mô lớn và là trường hợp thứ hai trong ngành thủy sản rơi vào cảnh nợ nần không thể tự tái cấu trúc được. Hồi tháng 3, Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) cũng gây xôn xao dư luận khi nữ chủ nhân Phạm Thị Diệu Hiền tổ chức đám cưới siêu sang cho con trong khi đang nợ hàng nghìn tỷ đồng. Bà Hiền sau đó sang Mỹ chữa bệnh, để lại công ty cho chồng chèo lái. Ngân hàng SHB của bầu Hiển đã đứng ra dàn xếp các khoản nợ của Bianfishco và trở thành cổ đông lớn nắm 50% vốn điều lệ công ty.
Thiên Phước