"Khả năng Nga thực hiện chiến dịch quân sự bằng lực lượng không quân, hải quân, vũ khí tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân chống lại Thụy Điển hoàn toàn có thể xảy ra", đài truyền hình SVT Thụy Điển hôm 18/6 dẫn báo cáo của ủy ban quốc phòng thuộc quốc hội nước này cho hay.
Theo báo cáo dự kiến được công bố trong ngày 19/6, khả năng Nga sử dụng những lực lượng này để tấn công Thụy Điển là "không thể loại trừ", dù phần lớn lục quân Nga đang tham chiến ở Ukraine. SVT dẫn nguồn tin giấu tên tham gia soạn thảo báo cáo nói rằng các quan chức Thụy Điển có ý định gửi "tín hiệu rõ ràng tới Nga".
SVT cũng cho biết báo cáo vạch ra học thuyết quốc phòng mới cho Thụy Điển, dựa trên tư cách thành viên NATO, thay vì học thuyết trước đó dựa trên hợp tác với các quốc gia Bắc Âu và Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Thụy Điển chưa phản hồi về thông tin này.
Thụy Điển năm ngoái nộp đơn xin gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên kết đã tồn tại hàng chục năm qua, với lý do nguy cơ an ninh bị đe dọa do chiến dịch của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, NATO hiện chưa thể kết nạp Thụy Điển do vấp phải phản đối từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển chứa chấp "các phần tử khủng bố người Kurd", nhiều lần yêu cầu Thụy Điển giải quyết mối lo ngại về an ninh này và dẫn độ các nghi phạm người Kurd. Trong khi đó, Hungary cho biết chưa sẵn sàng chấp nhận Thụy Điển gia nhập NATO do quan hệ song phương đang rất tệ khiến nước này không muốn mang mâu thuẫn vào liên minh.
Giới chức Thụy Điển đầu tháng này thông báo chấp nhận cho NATO triển khai lực lượng trên lãnh thổ trước khi gia nhập liên minh.
"Quyết định này nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga và tăng cường khả năng phòng thủ của Thụy Điển", Thủ tướng Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson cho hay. "Nga trong tương lai gần vẫn là mối đe dọa với các nước láng giềng. Chúng tôi cũng không chắc chắn về mức độ tham vọng lãnh thổ của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Như hầu hết quốc gia phương Tây, Thụy Điển thu hẹp quy mô quốc phòng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, Thụy Điển công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng để đáp ứng ngưỡng 2% GDP mà NATO đặt ra cho các nước thành viên.
Stockholm cũng cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng, đồng thời cam kết chuyển giao xe tăng Leopard 2 và pháo tự hành Archer do Đức sản xuất.
Nga nhiều lần nói rằng viện trợ quân sự cho Ukraine khiến các nước phương Tây trên thực tế trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột. Moskva cũng nhấn mạnh việc NATO tiếp tục mở rộng sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)