"Chính phủ quyết định rằng lực lượng vũ trang Thụy Điển có thể chuẩn bị triển khai các hoạt động chung trong tương lai cùng NATO và các nước thành viên liên minh", Thủ tướng Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson ngày 9/6 thông báo.
"Hoạt động chuẩn bị có thể gồm cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ tạm thời để triển khai thiết bị và binh sĩ trên lãnh thổ Thụy Điển. Quyết định này nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga và tăng cường khả năng phòng thủ của Thụy Điển", Thủ tướng Kristersson và Bộ trưởng Jonson cho biết.
Ông Kristersson và ông Jonson nhận định "Nga trong tương lai gần vẫn là mối đe dọa với các nước láng giềng", cũng như không chắc chắn "về mức độ tham vọng lãnh thổ của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu mới chỉ kết nạp Phần Lan, trong khi Thụy Điển vấp phải phản đối từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần yêu cầu Thụy Điển giải quyết mối lo ngại về an ninh, cáo buộc quốc gia chứa chấp "các phần tử khủng bố người Kurd" và yêu cầu dẫn độ nghi phạm. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "hợp tác chống khủng bố hiệu quả là điều kiện bắt buộc để Thụy Điển gia nhập NATO".
Trong khi đó, Hungary cho biết chưa sẵn sàng chấp nhận Thụy Điển gia nhập NATO do quan hệ song phương đang rất tệ khiến nước này không muốn mang mâu thuẫn vào liên minh.
Chính trị gia Thụy Điển từng cáo buộc Hungary "vi phạm các nguyên tắc dân chủ" và như chặn các khoản viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho họ. Budapest nhiều lần chỉ trích Stockholm về vấn đề này.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)