Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/5 đón tiếp các lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng, bắt đầu Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN cùng tham dự một sự kiện tại Nhà Trắng và cũng là cuộc họp đầu tiên với ASEAN do một tổng thống Mỹ chủ trì kể từ năm 2016.
"Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này sẽ là cuộc họp thượng đỉnh lịch sử", Derek Chollet, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, chia sẻ với truyền thông cuối tháng trước. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ gần đây nhất được tổ chức cách đây 6 năm, vào tháng 2/2016 tại Sunnylands, bang California, dưới thời tổng thống Barack Obama.
Trả lời VnExpress, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, nhận định hội nghị lần này có thể mang đến sự nhất trí rộng về hợp tác giữa ASEAN và Mỹ, nhằm giải quyết hàng loạt thách thức to lớn mang tính xuyên quốc gia mà các bên quan tâm.
Chương trình nghị sự sẽ đề cập đến phục hồi sau đại dịch Covid-19, an ninh y tế, kinh tế, chuỗi cung ứng, kinh tế số, năng lượng, kết nối mạng lưới, hạ tầng, biến đổi khí hậu và tăng cường giao lưu nhân dân giữa các nước.
"Tổng thống Biden cũng cần đảm bảo với các lãnh đạo ASEAN rằng các vấn đề ở châu Âu sẽ không làm Mỹ lơ là ủng hộ ASEAN cũng như những cơ chế với ASEAN nắm vai trò lãnh đạo", ông Thayer nhận định. "Hội nghị Cấp cao đặc biệt được tổ chức vào thời điểm này là bằng chứng về mức độ cam kết của Mỹ với khu vực".
John Goyer, giám đốc chuyên trách về Đông Nam Á của Văn phòng Thương mại Mỹ, trong bài bình luận ngày 10/5 đánh giá Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ là "cơ hội đúng thời điểm đối với khu vực then chốt" trong chính sách đối ngoại Mỹ lẫn thịnh vượng của thế giới.
Theo Goyer, trong những năm qua, các thành viên ASEAN đã hoàn thiện và triển khai hàng chục thỏa thuận song phương và đa phương với các đối tác then chốt khắp thế giới, nhưng phần lớn không có Mỹ tham gia.
"Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã không đáp ứng lời kêu gọi quay lại với hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi tổng thống Donald Trump rút khỏi quá trình đàm phán vào năm 2017. Càng đứng bên lề lâu hơn, nước Mỹ sẽ bị bỏ lại phía sau nhiều hơn", ông viết.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được chính quyền Biden công bố cuối tháng 2 đề cập đến Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), mô tả khái quát những trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Mỹ muốn chú trọng cho khu vực, song chi tiết chiến lược này vẫn chưa được phía Mỹ nêu rõ.
Các chuyên gia đánh giá chiến lược của Washington đối với khu vực đang thiếu sự cân bằng giữa an ninh quốc phòng và kinh tế thương mại, thách thức nỗ lực xoay trục hiệu quả sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.
"Chính quyền Biden có thể chia sẻ riêng với các lãnh đạo ASEAN về tiến độ IPEF, nhưng các bên vẫn chưa đạt được sự đồng điệu", Hunter Marston, nghiên cứu viên tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia, đánh giá. "ASEAN có thể vẫn muốn duy trì hợp tác an ninh với Mỹ, nhưng các nước muốn Mỹ tham gia mạnh mẽ trong khu vực về phương diện kinh tế, chứ không chỉ dừng lại ở hiện diện an ninh".
Khu vực ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp Mỹ. Các nước trong khối trong năm 2021 nhập khẩu từ Mỹ gần 100 tỷ USD hàng hóa và 35 tỷ USD dịch vụ. Đầu tư của Mỹ vào khu vực lớn hơn tổng đầu tư từ ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Marston cho biết.
Tuy nhiên, John Goyer cho rằng Mỹ vẫn chưa đề xuất rõ những đòn bẩy khuyến khích ASEAN tham gia vào IPEF, khiến chiến lược cụ thể dành cho khu vực đến nay vẫn mơ hồ.
Goyer đánh giá ASEAN muốn tiếp cận Mỹ về mặt kinh tế và đang tìm kiếm những tín hiệu cam kết thực chất từ Washington. Cách chính quyền ông Donald Trump đột ngột rút khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, đã gieo tâm lý hoài nghi mà các bên đến nay chưa hoàn toàn vượt qua.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, được nối lại sau 6 năm, sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên xây dựng lòng tin, giải quyết các thách thức và thúc đẩy quan hệ.
"Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần hai sẽ khôi phục tính tiếp nối trong quan hệ giữa hai bên", giáo sư Thayer nhận định.
Trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng tối 12/5, Tổng thống Biden và các lãnh đạo ASEAN cũng cho rằng hội nghị là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng đánh giá và định hướng quan hệ ASEAN - Mỹ. Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ nhất trí ủng hộ thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện và bày tỏ trông đợi mối quan hệ này phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
John Bradford, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng nỗ lực tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tập trung ứng phó với vấn đề Ukraine cho thấy chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục tin rằng quan hệ với ASEAN rất quan trọng.
"Chúng ta có thể kỳ vọng hội nghị sẽ đạt bước tiến trong những lĩnh vực hợp tác hiện nay như thúc đẩy thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng cũng như xây dựng năng lực an ninh hàng hải", Bradford nhận định.
Thanh Danh