Trả lời:
Mất ngủ hậu Covid có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Có người khó ngủ, trằn trọc, có người ngủ không sâu, không thẳng giấc kèm lo lắng, lo âu. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, khiến người bệnh giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng thể chất: hô hấp, tim mạch, hễ miễn dịch, hệ tiêu hóa... nặng hơn là bệnh nhân có những hành vi, xu hướng làm hại bản thân.
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ hậu Covid, như các triệu chứng về cơ thể trên hệ tim mạch, hô hấp... của Covid-19 kéo dài có thể làm rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu tới tinh thần, khiến người bệnh hoang mang, lo lắng, mệt mỏi nhiều, khó ngủ, ngủ không ngon. Ngoài ra, tình trạng viêm sau khỏi bệnh hay căng thẳng ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động, khiến người bệnh khó duy trì giấc ngủ tự nhiên, khó ngủ hơn trước.
Để cải thiện, bạn nên bắt đầu lại và phải kiên trì duy trì thói quen ngủ đều đặn. Thời gian đi ngủ và thức dậy giống nhau mỗi ngày, có thể xê dịch khoảng 20 phút. Tránh ngủ ngày để giấc ngủ đêm trọn vẹn và sâu hơn. Thiền trước khi ngủ cũng giúp bạn ngủ ngon hơn.
Không nên uống rượu hoặc các chất an dịu, thuốc ngủ, chỉ hiệu quả lúc đầu, lâu dần có thể dẫn đến lạm dụng. Trường hợp mất ngủ dài kèm stress, lo lắng, bạn nên gặp bác sĩ để được trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung
Khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E, Hà Nội