Theo tiến sĩ Từ Ngữ, dinh dưỡng không gây nên ung thư mà là yếu tố thuận lợi. Ngày xưa chế độ ăn của người Việt là cơm - canh - cá, canh là rau, nước; thực phẩm hoàn toàn tự nhiên không dự trữ, không chất bảo quản hay phẩm màu. Ngược lại, ngày nay người ta ăn thịt nhiều hơn; thực phẩm công nghiệp rất nhiều, bắt buộc phải có chất bảo quản, chất điều vị... Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thịt đỏ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn… làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam. Ảnh: N.P. |
Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng người châu Á, đặc biệt là ở các nước ăn món dưa lên men như dưa muối, kim chi muối, tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa cao hơn so với các nước không ăn món này. Nhiều tài liệu cũng cho thấy kim loại nặng như thủy ngân, thuốc trừ sâu diệt cỏ cũng gây ung thư.
“Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng điều đó không có nghĩa là kiêng hoàn toàn không ăn, không ăn thì cũng chết. Bản thân tôi vẫn ăn thịt hun khói, giăm bông hay dưa muối nhưng ăn vừa phải”, tiến sĩ Từ Ngữ nói.
Làm trong lĩnh vực dinh dưỡng nhiều năm, ông cho rằng không có lời khuyên dinh dưỡng một cách tuyệt đối nên ăn cái này, không nên ăn cái kia. Lấy ví dụ với việc lựa rau sạch, ông ra chợ cũng không biết mớ rau nào sạch; đi chợ phải tìm chỗ có nguồn gốc rõ ràng là rất khó.
“Về mặt vệ sinh, tôi có thể khuyên rửa rau như thế nào, rửa dưới vòi nước, mục đích là giải quyết trứng giun, ngâm nước muối không thể giải quyết được vấn đề hóa chất mà khiến rau mất dinh dưỡng, mặn hơn", tiến sĩ Từ Ngữ nói.
Quan điểm của ông là “đã ăn thì đừng sợ, đã sợ thì không ăn”. Lời khuyên tốt nhất chính là ăn đa dạng. Để hạn chế thuốc trừ sâu, bảo quản trong rau củ quả thì nên chọn mùa nào thức đấy, rau quả nào chính vụ thì ăn, càng trái vụ thì càng phải dùng nhiều thuốc trừ sâu. Nếu vẫn sợ thì không ăn rau lá, ăn rau củ, rau quả có vỏ, và gọt bỏ bỏ đi.
"Ăn cá to, tôi sẽ ăn đầu vì có nhiều chất béo tốt, cả nhỏ thì ăn cả con, cá kho thì phải kho 2 lửa để ăn được cả xương. Thịt gà ăn phần cổ để có thể nhai cả xương", tiến sĩ Từ Ngữ nói.
Một bữa ăn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: Cơm (bún, phở, mì, bánh mì,...): bột đường cung cấp năng lượng; Rau cung cấp vitamin và khoáng chất; Món mặn cung cấp chất đạm béo; Canh cung cấp nước. Gia đình tiến sĩ Từ Ngữ ăn theo khẩu phần giống như cơm đĩa ngoài hàng. Mỗi người tự lấy đủ phần thức ăn của mình gồm đủ cả 4 nhóm thực phẩm nói trên. Việc này giúp người nấu ước lượng vừa đủ, thức ăn không bị thừa lâu; mỗi người lại ăn đủ khẩu phần.
10 nguyên tắc ăn uống cần lưu ý:
- Không ăn quá no.
- Ăn với tâm trạng vui vẻ.
- Nhai kỹ.
- Tư thế ngồi ăn.
- Nghỉ ngơi sau bữa ăn.
- Không ăn vặt.
- Không ăn quá khuya.
- Uống nhiều nước.
- Không ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Ăn thức ăn do người hiểu biết nấu.
Nam Phương