Theo Fox News, nhiều nghiên cứu trước đây từng chỉ ra chất béo không bão hòa đa trong dầu thực vật tốt cho sức khỏe. Dựa vào đó, không ít người đã thay đổi thói quen, sử dụng dầu từ đậu nành, ngô, ô liu thay cho dầu mỡ động vật. Thế nhưng, hóa ra các công trình ấy chưa bao giờ được tiến hành theo đúng chuẩn mà chỉ xem xét ngẫu nghiên trên một số tình nguyện viên để tìm hiểu thực phẩm cùng chất béo tác động đến cơ thể như thế nào.
Mới đây, tiến sĩ Christopher Ramsden từ Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ đã kiểm chứng lợi ích của dầu thực vật và phát hiện lượng cholesterol thấp nhờ hấp thụ dầu thực vật không hề làm tăng tuổi thọ.
"Trên thực tế, những người giảm quá nhiều cholesterol dễ chết sớm", tiến sĩ Ramsden cho biết. Ông cùng cộng sự chia 9.400 người tuổi 20-97 thành hai nhóm: một nhóm ăn dầu ngô và bơ làm từ ngô, một nhóm vẫn ăn mỡ động vật. Sau khi chuyển sang chế độ ăn dầu thực vật, nồng độ cholesterol của nhóm thứ nhất giảm gần 14% nhưng sức khỏe không có dấu hiệu chuyển biển tích cực nào đáng kể.
Trên thực tế, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo tổng cholesterol trong huyết thanh (bao gồm triglyceride, cholesterol LDL và cholesterol HDL) dưới 180 mg/dL là lý tưởng. Cứ mỗi 30 mg/dL bị hụt đi, nguy cơ tử vong của con người lại tăng 22%. Ngoài ra, dầu thực vật không tác dụng gì đối với bệnh xơ vữa động mạch.
Tiến sĩ Lennert Veerman, nhà nghiên cứu y tế công cộng từ Đại học Queensland (Australia) nhận định vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để xác định loại dầu mỡ nào là tốt nhất. "Chúng ta nên tập trung hạn chế chất béo chuyển hóa, đường, muối và ăn theo chế độ dinh dưỡng phong phú nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản, thịt nạc, trứng, đậu cùng các loại hạt", Veerman nói. Cuối cùng, dù cho dầu thực vật đem lại lợi ích cho mạch máu hay không, bạn cũng không cần ngừng sử dụng bởi chưa bằng chứng xác thực nào cho thấy dầu thực vật gây hại.
Minh Nguyên