Từ đầu năm đến nay, 16 thương nhân phân phối trả giấy phép kinh doanh xăng dầu. Tại công điện ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung nhiên liệu trong nước.
"Trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu, tăng kiểm tra, giám sát thị trường", công điện nêu.
Hiện trên thị trường còn gần 300 thương nhân phân phối xăng dầu, giảm khoảng 10% so với cuối 2023. Họ là các đơn vị mua nhiên liệu của doanh nghiệp đầu mối để bán tại các cửa hàng bán lẻ trực thuộc và hệ thống đại lý, đơn vị nhượng quyền.
Theo Bộ Công Thương, việc một số thương nhân phân phối xăng dầu trả giấy phép là "họ tự chủ động, sau khi không đáp ứng các điều kiện kinh doanh qua rà soát của cơ quan quản lý". Cơ quan này cho biết diễn biến này không ảnh hưởng tới thị trường.
Tổng nguồn nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước thực hiện quý II khoảng 6,35 triệu m3, tấn. Tiêu thụ trong quý khoảng 6,3 triệu m3, tấn. Lượng xăng dầu tồn kho dao động 1,7-1,8 triệu m3, tấn. Với mức này, Bộ Công Thương khẳng định cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu.
Với giá điện, dịch vụ khám, chữa bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ rà soát và cùng Tổng cục Thống kê đánh giá tác động phương án điều chỉnh tới kinh tế - xã hội. Điều này, nhằm tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ có kịch bản điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế trong tháng 6 để xem xét, tránh bị động.
Ở nhóm lương thực, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá đầu vào, nhu cầu để kịp thời điều hòa cung cầu. Tương tự xăng dầu, công điện của Thủ tướng cũng nêu "không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu thực hiện giải pháp bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không để cân đối tải trên các đường bay, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024 sắp tới.
Ngoài việc điều hành, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo đánh giá lạm phát - tăng 4,4% so cùng kỳ năm ngoái, tương đương với tháng 4. Thực phẩm và nhà ở tiếp tục là tác nhân chính đẩy chỉ số này tăng. Lạm phát cơ bản trong tháng giảm nhẹ xuống còn 2,8%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WorldBank), cầu quốc tế đang phục hồi nhưng cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, vẫn yếu. Một số giải pháp hỗ trợ nền kinh tế được Chính phủ đưa ra, song theo tổ chức này, trước bối cảnh đồng USD mạnh lên, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá.
Minh Sơn