Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước sáng 18/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, trong đó chủ yếu là đôla Mỹ.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương chống đôla hoá nhưng trong điều kiện kiểm soát được thì nên có phương án huy động, trong khi vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao, khoảng 4,8%.
"Nguồn đôla Mỹ trong dân rất lớn, thay vì gửi lãi suất 0% thì cần có chính sách huy động để hoà vào huy động khác phục vụ đầu tư. Đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất", Bộ trưởng Dũng nói.
Giải trình trước Tổ công tác, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, nhiều năm qua cơ quan này vẫn tiến hành các giải pháp tổng thể để điều hành tiền tệ (tiền đồng, ngoại tệ, tỷ giá...) nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Nhờ giải pháp rất trúng này, các nguồn lực trong nền kinh tế đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam", Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá.
Ông Hưng phân tích, năm 2016 Ngân hàng Nhà nước mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó thặng dư thanh toán chỉ chiếm một phần nhỏ, còn chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hoá sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Như việc chống vàng hoá, nhiều năm qua cơ quan quản lý tiền tệ không mất lượng lớn ngoại tệ để nhập vàng về như trước, người dân cũng không còn "đổ xô đi mua vàng", tiết kiệm nguồn lực ngoại tệ, đồng thời chuyển hoá "tiền mua vàng, đôla vào nền kinh tế".
Cách làm này được Thống đốc đúc kết, là cách chuyển hoá nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện cần kiểm soát ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đôla hoá, vàng hoá, trong đó nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô, cụ thể chuyển hoá nguồn lực vàng, đôla này vào đầu tư...
"Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ đề án cụ thể với lộ trình bước đi phù hợp để vừa huy động được nguồn lực trong dân nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định kinh tế", ông Lê Minh Hưng nói.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu "huy động nguồn lực trong dân, trong đó chủ yếu là ngoại tệ để đầu tư phát triển". Nội dung này cũng đã được đề cập trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7.
"Nguồn lực trong dân rất nhiều, chúng ta nên tính toán đề xuất như thế nào cho hợp lý, tạo ra cơ chế để hút tiền vào, chứ đừng để tiền chảy ra nước ngoài", Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải nghiên cứu xem xét sử dụng hiệu quả nguồn tiền gửi trong kho bạc hiện khá lớn, trên 120.000 tỷ đồng, nhưng có thời điểm vẫn phải huy động nguồn khác để trả lãi nợ vay.
Anh Minh