Tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước sáng 18/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng qua của ngành ngân hàng "đã có sự chủ động, linh hoạt", lãi suất cho vay ổn định có thời điểm đã giảm, tỷ giá ổn định, tăng tín dụng hợp lý...
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, bình quân lãi vay ngắn hạn hiện ở mức 4-6% một năm; lãi vay trung dài hạn 9-11% một năm... Tính toán doanh nghiệp phải có lãi gộp ở mức 25-27% thì sau khi trừ các loại chi phí mới có lãi.
"Lãi suất cho vay với doanh nghiệp vẫn cần giảm thêm, phấn đấu hạ tiếp 0,5-1% nữa", ông Mai Tiến Dũng nói.
Ông đơn cử, với dư nợ tín dụng cả nước hiện trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì sẽ có khoảng 50.000 tỷ đồng tái đầu tư, sản xuất. Với phương thức đầu tư "5 đồng vốn, 1 đồng lãi" thì khoản lãi thu về dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng; ngân sách thu thêm 2.000 tỷ đồng. Chưa kể, 10.000 tỷ đồng quay trở lại đầu tư có thể tạo ra 0,25% điểm tăng trưởng GDP...
Hay với khoản nợ công hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, lãi suất giảm 1% thì sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 10.000 tỷ. Đây là khoản tiền tốt, tạo điều kiện bù đắp các khoản đầu tư, phát triển.
"Đề nghị Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất, quản lý nợ xấu... để minh bạch tài chính, thanh khoản, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay.
Năm 2016 có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có 93.000 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, đóng cửa. Doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng đóng cửa cũng không ít, trong đó có yếu tố liên quan tới tiếp cận vốn tín dụng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giúp các doanh nghiệp mới thành lập, khởi nghiệp tiếp cận được vốn.
Nhắc lại lời của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Dũng lưu ý, "tín dụng tăng nhưng không nên 'chảy' vào một số đại gia, mà phải vào doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản xuất...".
Nhiệm vụ tiếp theo Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ giải trình là xử lý nợ xấu. Hiện Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 15/8 tới. Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong thu bán tài sản đảm bảo, bán nợ xấu... khi thời hiệu của Nghị quyết đã cận kề.
Ngoài ra, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng là một trong những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ lưu ý. Sau khi Thông tư 36 ra đời, sở hữu chéo đã tốt hơn, nhưng "không phải không còn".
Ví dụ trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, thì hiện Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư 36, đây là giải pháp căn cơ.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân bởi nguồn lực này rất lớn. Thay vì gửi lãi suất USD 0%, có chính sách huy động nguồn lực này để hoà vào huy động khác phục vụ đầu tư. Đây cũng là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất. "Chúng ta có chủ trương chống đôla hoá nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát được thì cần huy động", ông Dũng nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý tiền tệ cũng được yêu cầu cần tiếp tục quan tâm tới một số lĩnh vực như vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 ở một số địa phương; triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp hơn mức vay thông thường.
Liên quan tới gói tín dụng này, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình, hiện đã có 7 ngân hàng cam kết số vốn trên 100.000 tỷ cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, gói này hiện vẫn chưa triển khai giải ngân do còn một số vấn đề về thủ tục pháp lý của các địa phương liên quan tới đất đai.
Cuối cùng, lưu ý của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước là phải tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền. “Chúng ta đang khuyến khích người dân thay vì sử dụng tiền mặt thì sử dụng các hình thức khác, nên việc bảo đảm an toàn là rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng tới lòng tin”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Nhắc lại mục tiêu của Chính phủ năm nay phải đạt tăng trưởng GDP 6,7%, ông Dũng nhấn mạnh, cần sự chủ động đóng góp nhiều hơn của hệ thống ngân hàng.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng cho thấy, trong số 477 nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng giao thì hiện cơ quan này đã hoàn thành được 397 nhiệm vụ, 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó quá hạn 5 nhiệm vụ.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng từ nay tới cuối năm, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm nay. Với 5 nhiệm vụ quá hạn, ông Hưng nhìn nhận đều là nhiệm vụ có tính chất phức tạp, trong đó 3 nhiệm vụ mật và tối mật.