Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hôm nay, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp phản ánh thủ tục hành chính vẫn là rào cản với sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố rà soát, đơn giản hóa và giảm ít nhất 20% thủ tục và 20% chi phí tuân thủ liên quan tới đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phương án cắt giảm cần trình Thủ tướng phê duyệt trước 30/9.
"Chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh", Thủ tướng yêu cầu.
Các bộ, ngành tăng phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công theo hướng "lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào" và đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Các cơ quan cũng rà soát để giảm tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ để nâng cao hiệu quả bộ máy.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm, công khai các cán bộ công chức, viên chức, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhất là làm phát sinh thủ tục, giấy tờ trong giải quyết thủ tục và chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao rà soát, trình Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đầu tư công. Báo cáo này cần được báo cáo Chính phủ trong tháng 9.
Bộ Tư pháp kiểm soát các quy định, thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Nội vụ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; tăng giám sát kiểm tra quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Định kỳ hàng quý, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng việc kiểm tra các đơn vị thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính.
Hơn hai năm qua, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến kinh doanh. Hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến tháng 5 năm nay, số thủ tục hành chính cả nước là hơn 6.420, giảm 376 thủ tục so với cùng kỳ hai năm trước.
Tuy vậy, báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022 (APCI 2022) khảo sát 3.092 doanh nghiệp, cho thấy để thực hiện một thủ tục hành chính trong nhóm đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ 32,2 giờ, mất chi phí trực tiếp khoảng 3,8 triệu đồng.
Theo doanh nghiệp, việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc này làm tăng chi phí thời gian, xã hội và giảm hiệu lực quản lý.