Nghị định 24/2014 về quản lý, kinh doanh vàng được nhà chức trách ban hành với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Từ đó đến nay, SJC được coi là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. Việc này dẫn tới thực tế thị trường nhiều thời điểm bị mất cân đối cung - cầu, giá thế giới tăng ít, trong nước đã lên rất cao.
Tại Chỉ thị 06 ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để "phù hợp tình hình mới".
Cuối 2023, giá trong nước chênh với thế giới tới 20 triệu đồng, buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng và đề nghị các bộ vào cuộc thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó cho biết sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và có giải pháp hạn chế ảnh hưởng lên tỷ giá, lạm phát.
Giới chuyên gia cho rằng vàng là hàng hóa thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước không nhất thiết phải độc quyền.
Cũng tại Chỉ thị 06, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% để đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Cơ quan quản lý tiền tệ được giao tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đơn giản thủ tục, tạo điều kiện tiếp vận vốn của doanh nghiệp và hạ tiếp lãi suất vay, hạn chế tín dụng đen.
Dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cải cách thủ tục hành chính, giảm điều kiện kinh doanh và tháo gỡ ngay các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Các địa phương còn chậm giải phóng mặt bằng của của các dự án đường bộ cao tốc, đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) phải hoàn thành và bàn giao cho các chủ đầu tư trong quý I.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc việc với từng bộ ngành. Trong đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao theo dõi, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, báo cáo Thủ tướng việc kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án đã giao trong tháng 2.
Bộ Tài chính quản lý chặt các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách. Bộ này cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xử lý các vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6.
Bộ Công Thương được giao theo dõi tình hình vận tải hàng quốc tế qua Biển Đỏ, đề xuất giải pháp giảm chi phí vận chuyển, tránh ngưng trệ hàng xuất khẩu và không để thiếu hàng, nhất là xăng dầu, gây bất ổn thị trường.