Tại cuộc họp lưu ý với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan soạn thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2026, chiều 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quản lý, phân bổ vốn đầu tư công 5 năm qua có hiệu quả nhất định, giảm xin cho, tiêu cực, nhưng cần rút bài học kinh nghiệm.
Ông yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới cần rà soát giảm số dự án để tập trung nguồn lực hơn nữa. "Cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân", Thủ tướng nói.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cần đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống tiêu cực, xin - cho, siết chặt kỷ luật và phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra... tại các dự án đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thể chế về đầu tư công đã phân giao thẩm quyền, trách nhiệm rõ hơn với người đứng đầu, tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công.
Tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán dần hạn chế. Tỷ lệ dự án hoàn thành đạt 66,2%. Hiệu quả kinh tế, xã hội của các dự án đầu tư công đóng góp khoảng 33,7% GDP (tương đương 9,2 triệu tỷ đồng).
Nhưng đầu tư công trung hạn 5 năm qua giảm một nửa số lượng so với giai đoạn trước đó, 11.000 dự án. Dự kiến số dự án sẽ giảm về 6.400 trong giai đoạn 2021-2026.
Ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng hơn, nâng cao chất lượng lập dự án của địa phương, song song với hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư để đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt.
Đồng tình với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, song Thủ tướng lưu ý, quá trình triển khai, phân bổ vốn, cơ quan ngành kế hoạch cần nêu cao tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" vì lợi ích chung, tránh trông chờ hay ỷ lại, quá thận trọng trong triển khai các dự án đầu tư phát triển.
"Vấn đề đã 'chín', thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề cập tới "nút thắt" hiện nay là phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
"Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò "vốn mồi", dẫn dắt các nguồn vốn khác", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trước khi giải phóng mặt bằng, các dự án rất khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng sau khi có mặt bằng sạch hấp dẫn hơn nhiều. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định sẵn sàng thực hiện ngay cách làm này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 2 triệu tỷ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã giao kế hoạch đạt gần 91% cho các bộ, cơ quan và địa phương. Có 11.100 dự án được giao kế hoạch trung hạn, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao, riêng năm 2020 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, hơn 97,46%.
Anh Minh