Chiều 19/5, Thủ tướng tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản.
Ông Fujimoto Masayoshi cho biết Sojitz - tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản - đang tính mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tổng giám đốc Sojitz thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp lớn muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc chuyển dịch sản xuất sang đây.
Tuy nhiên, ông đề xuất Việt Nam sớm đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) để các nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Điều này sẽ tác động tích cực vào tính cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy hoạch điện VIII - cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện - vừa được Chính phủ ban hành tuần trước, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tiếp sau quy hoạch này, Việt Nam sẽ thí điểm và tiến tới xây dựng cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện tái tạo và khách dùng điện. Việc này tiến hành cùng với quá trình sửa Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh ở Việt Nam.
Dự thảo thí điểm DPPA từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cách đây hai năm, với công suất thí điểm ban đầu 1.000 MW. Ở thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế này.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, bên mua và bán đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn có giá. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.
Cũng tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị Sojitz mở rộng đầu tư các hệ sinh thái khu công nghiệp, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp có nguồn lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông đề nghị Sojitz phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các ý tưởng đầu tư và cùng các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn.
Cùng ngày, gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước sớm nâng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng.
Ông hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để doanh nghiệp nước này mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong 5 vấn đề, gồm vốn, công nghệ, nhân lực, xây dựng thể chế và quản trị.
Tổng thống Yoon Suk Yeol nói sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thúc đẩy các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản hôm nay và sẽ cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 từ ngày 20-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.
Thủ tướng sẽ tham dự các phiên thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước dự hội nghị và gặp nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.