Đề nghị này được Thủ tướng nêu tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc, ngày 30/7. Đây là cuộc gặp của người đứng đầu Chính phủ với các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn, đầu tư tại Việt Nam lần thứ 2, sau đối thoại hồi tháng 9 năm ngoái.
Hôm nay các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục nêu 33 kiến nghị về ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp; khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng, phát triển xe điện...
Họ cũng quan tâm tới thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã qua sử dụng; việc phân phối bán các bản ghi âm, ghi hình tại Việt Nam và các hạn chế về đầu tư nước ngoài với ngành công nghiệp văn hóa...
Những vấn đề doanh nghiệp Hàn Quốc nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương tiếp thu, sớm đưa ra biện pháp xử lý cụ thể.
Theo Thủ tướng, ưu tiên hàng đầu lúc này là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và chống suy thoái, phục hồi kinh tế. Vì thế, Việt Nam muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị...
Việc này sẽ góp phần "đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu".
Việt Nam cũng khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trong đó đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc để hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương. Việc này nhằm thực hiện cam kết về trung hoà carbon vào năm 2050 và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch.
Tại đối thoại, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam "đảm bảo không thiếu điện trong 2022 và 2023, nhất là tại các khu công nghiệp, sản xuất", dù có thể gián đoạn cục bộ do thời tiết nắng nóng.
Ông Diên cũng cho biết nhờ các đợt giảm giá liên tục trong tháng 7, giá xăng dầu đã được kéo về mức thấp hơn so với trước và nhiều nước trong khu vực. Điều này có lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, đang đầu tư ở 19 ngành kinh tế và 59 tỉnh, thành với 9.383 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỷ USD.
Bảy tháng đầu năm, nước này đứng thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn rót 3,3 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái đạt 78 tỷ USD, gấp 150 lần năm 1992.
Loạt "ông lớn" như Samsung, LG, Hyosung, Hanwha, Hyundai, Tập đoàn CJ, Lotte... đã hiện diện đầu tư tại Việt Nam. Riêng Samsung Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, thu hút trên 125.000 lao động. Năm 2021, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 14% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.