Báo cáo tại phiên họp Chính phủ về các dự án giao thông trọng điểm như Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên… Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho hay, các dự án này đều được ưu tiên vốn đối ứng. Tiến độ dự án đều có thể xong trước hạn nhưng theo ông Thăng, vấn đề căng thẳng nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Theo đó, các tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên hay Hà Nội – Hải Phòng, trong khi địa phương khác đều đã hoàn tất khâu này, riêng Hà Nội vẫn không dứt điểm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải quyết liệt giải phóng mặt bằng. “Hà Nội phải coi đây là trọng tâm, phải quyết liệt, vì Hà Nội và cũng vì cả nước”, Thủ tướng nói.
Từng hơn một lần đề cập tới vấn đề này trong các cuộc họp với các địa phương cũng như với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa công trình nhà ga T2 trị giá gần một tỷ USD hay tuyến đường cao tốc đi qua cầu Nhật Tân. Khi dự án này hoàn thành, thời gian đi lại giữa thành phố và sân bay chỉ còn khoảng hơn 10 phút. Người đứng đấu Chính phủ cho rằng việc dự án triển khai vài năm mà vẫn còn hơn một trăm hộ dân chưa được giải tỏa là không ổn.
Báo cáo về vấn đề xử lý hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng mang đến thông tin tích cực về tồn kho vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng tiếp tục giảm. Thị trường nhà đất đang có dấu hiệu chuyển biến.
Theo thống kê tại 55 trên 63 tỉnh thành, giá trị tồn kho bất động sản hiện còn 108.000 tỷ đồng, giảm hơn 19.700 tỷ so với quý I. Tại Hà Nội, TP HCM, lượng căn hộ chung cư tồn đều giảm, giao dịch tăng ở phân khúc căn hộ diện tích nhỏ, giá cả hợp lý.
Biện pháp tháo gỡ tiếp tục được ngành xây dựng xác định gắn với chiến lược nhà ở. Hiện đã có nhiều dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang xã hội với tổng số 34.000 căn hộ. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các ngành, đặc biệt với Hà Nội và TP HCM, các địa phương để triển khai cùng ngân hàng giải quyết cho người dân vay mua nhà theo gói kích cầu 30.000 tỷ đồng.
Ghi nhận sự tích cực của Bộ Xây dựng trong việc tham gia triển khai gói 30.000 tỷ song, Thủ tướng cũng nhắc nhở rằng chính sách này không dễ đi vào cuộc sống. “Quyết tâm thì ai cũng nói, nhưng phải thành giải pháp mới đi vào cuộc sống được”, Thủ tướng nói.
Tại phiên họp tháng 7, vấn đề nông nghiệp được các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian bàn thảo. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đạt 15,6 tỷ USD giảm 1,6% chủ yếu do giá và lượng xuất khẩu nông sản chính (lúa, cà phê, cao su) giảm rất mạnh ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Phát, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp hiện nay vẫn là thị trường, đầu ra sản phẩm. Do đó, ông đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp trong tháo gỡ khó khăn về thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và lợi ích của nông dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp cũng đề nghị kéo dài thời gian thu mua tạm trữ lúa gạo đến 15/8. Đề xuất này được Thủ tướng đồng ý.
Trước những số liệu của các bộ, ngành nêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua đã có “chuyển biến tích cực, đúng hướng”. Các kết quả đạt được là khá toàn diện, tạo cơ sở để đạt các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, nhiều lĩnh vực chuyển biến còn chậm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ 7 tháng đạt thấp hay nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại; thu ngân sách tuy đã bớt căng thẳng nhưng vẫn còn hụt thu tới 40.000 tỷ…
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 6,8% của năm 2012 là có khả năng làm được song để GDP tăng ở mức 5,5% là rất khó. Ông lưu ý việc phấn đầu đạt mục tiêu này nhưng cũng phải gắn với chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế “chứ không phải tăng trưởng để rồi một lần nữa phải quay lại xử lý nợ xấu”.
Liên quan tới một vấn đề cụ thể, Thủ tướng đề nghị được báo cáo trực tiếp đề án tái cơ cấu tập đoàn VNPT vào đầu tháng 8. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung như cổ phần hóa, đầu tư ngoài ngành, cán bộ quản trị.
Trước thông tin nhiều trẻ em tử vong sau khi tiêm chủng, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rà soát quy trình về tiêm chủng cũng như vấn đề văc xin. Bộ Y tế cần sớm công bố nguyên nhân khiến trẻ tử vong. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải đẩy mạnh thực hiện biện pháp giảm tình trạng quá tải của bệnh viện. |
Nguyễn Hưng