Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thêm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tăng nhưng đà tăng đang giảm dần. Trong số đã ngừng hoạt động, 10.000 đơn vị đã hồi sinh trong 7 tháng qua.
“Như vậy, có thể thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn có xu hướng giảm do những khó khăn của nền kinh tế và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư”, ông Vinh cho hay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,27% trong tháng 7 và 2,68% so với cuối năm ngoái, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2004-2011. Trong tháng 7, nhóm giao thông tăng cao nhất, kế đó là nhà ở, vật liệu xây dựng. Lương thực là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa, giảm 0,3% trong khi nhóm hàng thực phẩm sau 4 tháng giảm liên tục đã tăng trở lại 0,18%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lý giải thêm, CPI tháng 7 tăng chủ yếu các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian gần đây; nhu cầu đi lại tăng trong các đợt thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng; giá gas tăng và điều chỉnh tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức. Theo đánh giá của Bộ này, so với cùng kỳ năm trước, CPI còn ở mức cao, CPI tháng 7/2013 tăng 7,29%, bình quân 7 tháng tăng 6,81%.
Trong khi đó, đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính về tình hình 7 tháng cho hay, tốc độ tăng CPI của tháng 7 so với tháng 6 (0,27%) vẫn thấp hơn dư địa cho phép trong mỗi tháng cuối năm (bình quân khoảng 0,76%). "Với xu hướng CPI tăng như vậy, kết hợp yếu tố giá cả thế giới được dự báo không nhiều biến động, việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch cho năm 2013 có những thuận lợi nhất định", Ủy ban giám sát nhận định.
Trước đó, World Bank đưa ra dự báo lạm phát cả năm 2013 của Việt Nam có thể cao hơn dự kiến, khoảng 8,2%.
Nguyễn Hưng