Ông Prayuth bị đảng Pheu Thai đối lập cáo buộc gây xung đột lợi ích vì ông vẫn ở trong dinh thự của quân đội dù đã xuất ngũ vào năm 2014, vài tháng sau khi lật đổ chính phủ của Yingluck. Ông Prayuth giải thích rằng ông cần ở lại đó vì lý do an ninh.
Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm nay đánh giá việc cựu tư lệnh lục quân ở lại dinh thự là phù hợp với các quy tắc của quân đội, nhấn mạnh sự an toàn của Thủ tướng và gia đình ông là ưu tiên của chính phủ.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại Bangkok ngày 27/11. Ảnh: Reuters.
Ông Prayuth "đã không có hành vi cấu thành xung đột lợi ích. Ông không mưu cầu lợi ích cá nhân, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng không vi phạm đạo đức", một thẩm phán nói. Phán quyết vô tội dành cho Prayuth đồng nghĩa với việc ông có thể tiếp tục nắm quyền.
Quyết định của tòa án được đưa ra vào thời điểm căng thẳng chính trị ở Thái Lan tăng cao. Kể từ tháng 7, nhiều người Thái biểu tình yêu cầu Prayuth từ chức, cáo buộc ông đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.
Người biểu tình còn đưa ra một số yêu sách khác, như thay đổi bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay hay cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ. Người biểu tình cũng đề nghị hoàng gia minh bạch hơn về hồ sơ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lao dốc vì Covid-19.
Sau khi tòa hiến pháp đưa ra phán quyết, nhiều người biểu tình tập trung tại một trong những giao lộ đông người qua lại nhất ở Bangkok để phản đối.
Phương Vũ (Theo Reuters)