"Thủ tướng là trở ngại và gánh nặng lớn đối với đất nước. Xin hãy từ chức và mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp", Sompong Amornvivat, lãnh đạo Pheu Thai, đơn đảng lớn nhất trong quốc hội Thái Lan, phát biểu trong buổi khai mạc phiên họp sáng nay.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth tuần trước triệu tập cuộc họp này để thảo luận về các cuộc biểu tình bắt đầu từ giữa tháng 7 và kéo dài suốt ba tháng qua. Người biểu tình cáo buộc Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.
Đám đông còn đưa ra một số yêu sách khác, như thay đổi bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay hay cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ. Người biểu tình cũng đề nghị hoàng gia minh bạch hơn về hồ sơ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lao dốc vì Covid-19.
Chính phủ Thái Lan ban hành sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 4 người hôm 15/10 để chấm dứt các cuộc biểu tình, song chỉ làm bùng phát sự tức giận trong dư luận và khiến hàng chục nghìn người đổ xuống đường phố Bangkok.
Phát biểu tại phiên họp hôm nay, ông Prayuth nói rằng Thái Lan cần kiểm soát các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
"Dù người dân có quyền tự do biểu tình dựa trên hiến pháp, giới chức cần kiểm soát các cuộc biểu tình bất hợp pháp. Chúng tôi không muốn chứng kiến các cuộc đụng độ hoặc bạo loạn trong nước", ông Prayuth nói, đồng thời cáo buộc một số người biểu tình có "hành động không phù hợp".
Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của ông Prayuth và lãnh đạo biểu tình nghi ngờ khả năng giải quyết khủng hoảng của phiên họp đặc biệt này. Người ủng hộ Thủ tướng chiếm đa số trong quốc hội do thượng viện được chính quyền cũ của ông lựa chọn.
Người biểu tình sẽ tuần hành đến đại sứ quán Đức chiều nay và cho biết họ sẽ kiến nghị Berlin điều tra việc Quốc vương Thái Lan sử dụng quyền lực khi ở Đức. Chính phủ Đức đã nói rằng sẽ không thể chấp nhận việc tiến hành các hoạt động chính trị từ quốc gia mình.
Hàng chục người theo chủ nghĩa bảo hoàng, mặc áo vàng hôm nay tụ tập bên ngoài quốc hội, yêu cầu các nghị sĩ không nên cải cách chế độ quân chủ. "Chúng tôi không muốn chủ đề chế độ quân chủ được thảo luận trong quốc hội. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ chế độ quân chủ", Suwit Thongprasert, một nhà hoạt động bảo hoàng nổi tiếng, cho biết.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)