Thai Summit Tower, tòa nhà 34 tầng nằm trên đường Phetchaburi ở Bangkok, là trụ sở của nhà sản xuất phụ tùng ôtô lớn nhất Thái Lan. Cho tới gần đây, tòa nhà vẫn là trụ sở của một đảng chính trị mới nổi do Thanathorn Juangroongruangkit, 41 tuổi, lãnh đạo. Ông và nhiều nhà hoạt động của đảng Tương lai mới (FFP) thường tổ chức các buổi họp báo và cuộc họp chính trị trên tầng 5. Họ đã giành được 17% ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái dù mới gia nhập chính trường một năm.
Thành tích nổi bật đó đã giúp FFP giành được 81 trong tổng số 750 ghế của quốc hội Thái Lan. Tuy nhiên, đảng chính trị mới nổi nhanh chóng "lọt vào tầm ngắm". Đầu tiên, Thanathorn bị cấm tham gia chính trị bởi nắm số cổ phần lớn của một công ty truyền thông, điều này trái với luật của Thái Lan, dù tỷ phú này khẳng định số cổ phần đã được chuyển giao cho mẹ ông.
Ngày 21/2, đảng Tương lai mới với 6,3 triệu người ủng hộ bị giải tán do cáo buộc nhận tài trợ trái phép. Tổ chức Giám sát Nhân quyền mô tả hành động này mang "động cơ chính trị".
Trao đổi với Time một tuần trước quyết định giải tán, Thanathorn vẫn tỏ ra lạc quan. "Đảng Tương lai mới là một phương tiện và chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình ngay cả khi họ giải tán chúng tôi. Năm nay, tôi chắc rằng dù tôi có lãnh đạo hay không, chúng tôi vẫn sẽ quay lại biểu tình công khai", Thanathorn nói.
Không chỉ nổi tiếng là Xứ sở Nụ cười, Thái Lan từ lâu còn được biết đến là đất nước của biểu tình, đảo chính quân sự. Quốc gia Đông Nam Á với 70 triệu dân đã trải qua 12 lần đảo chính thành công và 7 âm mưu bất thành trong thế kỷ qua, trong khi nhiều năm gần đây biểu tình thường xuyên nổ ra trên đường phố.
Cuối tuần qua, biểu tình một lần nữa "nhấn chìm" thủ đô Thái Lan với ước tính khoảng 50.000 người tham dự, biến đây trở thành biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra từ giữa tháng 7, nhằm kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế hiến pháp hiện tại.
Bất bình của công chúng Thái Lan đã âm ỉ từ lâu, nhưng "quyết định giải tán FFP được xem là giọt nước tràn ly", theo Thitinan Pongsudhirak, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok.
Lực lượng nòng cốt của làn sóng biểu tình lần này là sinh viên và học sinh, điều mà Thitinan chưa từng thấy trong 27 năm sự nghiệp của mình. "Sinh viên cảm thấy họ được trao quyền, được thức tỉnh và đáng chú ý hơn là không ai ngủ gật trong lớp. Với tư cách là giáo viên, tôi thực sự ngạc nhiên", Thitinan nói.
Tỷ phú Thanathorn cho rằng Covid-19, đại dịch khiến nhiều nền kinh tế suy thoái, cũng đang ảnh hưởng lớn tới người biểu tình trẻ tuổi ở Thái Lan. "Vì mọi người không thấy được tương lai. Nỗi tức giận đã thường trực ở đó và chỉ chờ bùng nổ", ông nói.
Tại Thái Lan, mối quan hệ giữa hoàng gia và quân đội rất gắn bó và lời giải thích cho các cuộc can thiệp quân sự đều là "bảo vệ chế độ quân chủ". Thanathorn cho rằng các tướng lĩnh phải chịu trách nhiệm cho vòng xoáy biểu tình và đảo chính ở Thái Lan.
Quân đội ngày càng trở nên quyền lực khi kiểm soát các sân golf, trường đua ngựa và sân vận động muay Thái. Họ cũng sở hữu nhiều chuỗi khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vực tự do thương mại, đài phát thanh và truyền hình. Trong quốc hội, 81 thượng nghị sĩ, đồng thời là tướng lĩnh, có khối tài sản trung bình khoảng 2,5 triệu USD mỗi người, trong khi thu nhập chính thức của một tướng lĩnh trong 40 năm vào khoảng 1,5 triệu USD. Theo tài liệu lập pháp mà FFP có được, quân đội Thái Lan đã chi tiêu ngoài ngân sách khoảng 580 triệu USD vào năm ngoái.
Vụ một binh sĩ Thái Lan xả súng giết chết 29 người và khiến 58 người khác bị thương hôm 8/2 tại thành phố Korat, cách đông bắc Bangkok gần 300 km, đã khiến Thanathorn thúc đẩy cải cách. "Chúng ta không thể để các gia đình bị tổn thương vô cớ", ông nói.
Dù có chú từng là bộ trưởng giao thông giai đoạn 2002-2005 và hiện là thành viên cấp cao trong đảng ủng hộ quân đội lớn nhất Thái Lan, Thanathorn tuyên bố gia đình không có cùng quan điểm với chú. Ông của Thanathor từ Phúc Kiến, Trung Quốc di cư tới Thái Lan đầu thế kỷ 20. Năm 1977, bố của Thanathorn bắt đầu thành lập Thai Summit, nhưng Thanathorn cho biết đã lớn lên trong một gia đình trung lưu, ngày ngày phải đi bộ hoặc xe buýt tới lớp như nhiều bạn bè khác.
Phải tới khi Thanathorn học trung học, công việc kinh doanh của gia đình mới khởi sắc khi kiếm được nhiều hợp đồng béo bở với các công ty ôtô Nhật Bản, sau đó trở thành đế chế với doanh thu 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Thanathorn cho biết đây cũng là lúc ông nhận thấy rõ rào cản vô hình trong xã hội Thái Lan. "Khi trở nên giàu có, bố mẹ tôi muốn được công nhận là một người thuộc giới tinh hoa. Họ đã cố gắng tạo mối quan hệ với các chính trị gia và giới quyền lực. Nhưng tôi hiểu dù có cố gắng bao nhiêu, chúng tôi cũng không thể đặt chân vào giới của họ, bởi chúng tôi là người giàu mới nổi. Do đó, bố mẹ không cố làm điều đó nữa", ông nói.
Thanathorn từng có tuổi thơ khá vất vả. Lúc lên 10 tuổi, ông đã phải dành thời gian nghỉ hè để đi làm thêm, rửa bát và lau dọn sàn ở nhà hàng. Ông cũng từng làm nhân viên vận chuyển hành lý và dọn phòng khách sạn. Thanathorn thậm chí từng bốc vác hàng hóa ở nhà kho.
Khoảng thời gian vất vả này đã khiến Thanathorn phần nào hiểu được khoảng cách giàu nghèo, nhưng ông chỉ thực sự hiểu rõ vấn đề khi học kỹ sư cơ khí tại Đại học Thammasat. "Lúc năm hai, tôi lần đầu tới một khu ổ chuột ở Bangkok. Suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn thay đổi khi nhìn thấy nghịch cảnh xã hội", ông nói.
Ông về sau trở thành nhà hoạt động sinh viên tiến bộ, đấu tranh cho nhiều vấn đề như bồi thường cho người bị mất nhà vì các dự án phát triển nhà nước. Ông cũng từng học tại Đại học Nottingham ở Anh và tham gia vào chi hội sinh viên của đảng Lao động Xã hội chủ nghĩa cực tả. "Tôi học được cách họ vận động, cách họ tổ chức", ông chia sẻ.
Sau đó, ông còn có thêm bằng thạc sĩ liên kết giữa Đại học Hong Kong và Đại học New York về tài chính toàn cầu.
Đối với Thanathorn, kiến thức có được đã giúp ông nhìn nhận rõ hơn khiếm khuyết của nền kinh tế Thái Lan. Thuế tài sản tối thiểu có nghĩa người giàu có thể sở hữu khối tài sản khổng lồ, trong khi nhiều lĩnh vực bị cấm cạnh tranh. Trên thế giới, các nhà máy bia thủ công có thể mọc lên ở khắp nơi để phục vụ người thích bia. Nhưng ở Thái Lan, kinh doanh bia nhỏ lẻ bị cấm theo điều luật có từ hàng thập kỷ nay. Hai tập đoàn gia đình lớn độc quyền 90% thị trường trị giá 5,7 tỷ USD này.
Ở hầu hết quốc gia, một số nhượng quyền kinh doanh miễn thuế được chỉ định cho các sân bay thương mại, nhưng ở Thái Lan, một công ty có quan hệ mật thiết với chính phủ đã được "độc quyền" tại các sân bay chính của Bangkok trong hơn hai thập kỷ mà không cần đấu thầu, tạo ra các đế chế gia đình có tài sản hàng tỷ USD.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Thanathorn dự định theo đuổi sự nghiệp về phát triển quốc tế ở Liên Hợp Quốc. Nhưng khi bố qua đời vì ung thư năm 2002, ông trở lại Thái Lan để tiếp quản vai trò lãnh đạo Thai Summit khi mới 23 tuổi và điều hành đế chế này 17 năm cho tới khi thành lập FFP.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với các chiến thuật chính trị gay gắt của Thanathorn. Ông chỉ trích nhiều lãnh đạo cấp cao, đi ngược lại chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt của Thái Lan.
"Ông ấy đang cố tình chọc giận tất cả giới tinh hoa thay vì đưa ra vấn đề theo cách họ không thể chối cãi", Tony Davis, nhà phân tích an ninh của IHS-Janes ở Bangkok, nói.
Nhưng nhiều cử tri bị chinh phục bởi người tự nhận là "tỷ phú thường dân" có vẻ ngoài điển trai này. Theo kết quả khảo sát cuối năm 2019 của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, 31% người được hỏi cho rằng Thanathorn đủ tiêu chuẩn để trở thành lãnh đạo.
Thanathorn nói rằng ông và người biểu tình "có cùng lý tưởng về tương lai đất nước" nhưng lựa chọn con đường khác nhau. Ông khẳng định không rời khỏi đất nước dù bị cấm tham gia chính trị, có thể đối mặt nguy cơ ngồi tù hoặc điều tệ hơn nữa.
"Nếu tôi không làm, tôi không thấy ai khác sẽ làm điều đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Time)