Phát biểu khai mạc hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai tháng rưỡi qua không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhờ Việt Nam đã có đối sách đúng.
Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng khi sớm đưa ra chủ trương thực hiện mục tiêu kép (chống dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh). Ông dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III và cho rằng chủ trương kích cầu du lịch và hàng không nội địa của Chính phủ khá thành công.
Tuy nhiên, Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế khi GDP quý II chỉ tăng trưởng 0,36%, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, những mức này, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, là thấp nhất 10 năm. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 55,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp mới giảm cả về số lượng lẫn vốn đăng ký.
"Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giời hết", Thủ tướng nêu vấn đề.
Ông ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã, gồm cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. "Vì vậy, hội nghị này phải đề xuất mọi biện pháp để cỗ xe tam mã kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, lấy đà cho sự phát triển của đất nước", ông nói.
Nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị xác định rõ những rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả.
Khác với các nước, dư địa về tài khoá và tiền tệ của Việt Nam khá lớn, nên việc duy trì chính sách này "phải chặt chẽ, thận trọng, có bước đi đúng, phù hợp".
Đồng thời, các đơn vị cần có các chính sách để thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa như "giảm giá", mở rộng xuất khẩu. Ông cũng lưu ý, nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... nếu không có chính sách thu hút như tạo điều kiện ưu đãi, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA đạt 10%. Ông dẫn chứng, kết quả kiểm tra của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho thấy, TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.
"Chúng ta có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021", Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như địa phương kiến nghị giải pháp, chế tài để giải ngân hết số vốn này.
"Bộ Chính trị, Quốc hội đã đồng ý nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA, Thủ tướng có quyền điều chuyển từ ngành này, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác", ông cảnh báo.