Sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. GDP nửa đầu năm ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II tăng trưởng 0,36%.
Ttrao đổi sau đó, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng nói thêm: "Từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991, chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp như vậy".
Mức tăng trưởng 1,81%, theo ông Hùng, cũng kém cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan này đã đặt ra trước đó nên ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8%.
"Mục tiêu tăng trưởng 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%", vị này nhận định.
Dù vậy, đại diện Tổng cục Thống kê vẫn dự đoán tăng trưởng GDP quý III và IV sẽ tốt hơn 6 tháng qua bởi còn dư địa lớn để tăng trưởng giải ngân đầu tư công, tăng trưởng dư nợ tín dụng, cũng như dựa trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tài liệu công bố hôm nay, Tổng cục Thống kê chỉ công bố số liệu tăng trưởng GDP từ năm 2011 và ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất 10 năm. Về vấn đề này, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê – người vừa về hưu hồi tháng 4 cho biết, thông thường chỉ nên nhìn 10 năm gần nhất để đánh giá chiến lược phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn này và kế hoạch 5 năm. "Càng so xa hơn thì rất khó và không nên so xa. Bởi nền kinh tế, quy mô hiện nay rất khác với 10 năm trước, 1% của năm nay đã khác 1% của năm trước", ông Lâm giải thích.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 4,96%, cùng với đó là các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).
Covid-19 ảnh hưởng lớn tới kim ngạch, xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng. Tính chung nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%, nhập khẩu giảm 3%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xuất siêu ước tính 4 tỷ USD.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, mức tăng trưởng dương này khá so với các nước trong khu vực và thế giới. Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu khiến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao... Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong các tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cục đến kinh tế Việt Nam.
Anh Tú